Nghị định mới về quản lý, sử dụng internet là chiến dịch đàn áp tự do ngôn luận

Link Video: https://youtu.be/_d1ZH-nlA34

Ngày 11/10, RFA Tiếng Việt có bài “Chủ danh khoản Facebook đã bị hack còn bị phạt”.

RFA dẫn phát biểu của ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, nói về Nghị định mới thay thế Nghị định 72 (2013) về quản lý, cung cấp và sử dụng internet:

Nếu tài khoản bị chiếm quyền điều khiển hoặc do nhiều người dùng chung, họ phải chứng minh mình không đăng tải nội dung đó. Nếu không vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Trong trường hợp phát ngôn vi phạm nghiêm trọng, họ có thể bị kiện ra tòa hoặc bị xử lý hình sự, theo Luật An ninh mạng.”

Nhận định về phát biểu này, ông Hoàng Ngọc Diêu, một chuyên gia Công nghệ thông tin, nói với RFA:

“Tôi thấy khôi hài vì người dùng Facebook hoàn toàn lệ thuộc vào tính bảo mật của chính Facebook. Nếu Facebook bị lỗi bảo mật mà phạt người dùng, thì đó là chuyện phi lý.”

Hơn nữa, việc thâm nhập vào tài khoản Facebook có thể trải dài từ những chuyện lừa đảo vặt cho đến những áp dụng kỹ thuật tinh vi. Người dùng có thể không biết họ bị lừa đảo hoặc bị thâm nhập bằng kỹ thuật. Nói về mặt quản lý, làm sao chính phủ Việt Nam có tài lực để theo dõi 65 triệu tài khoản Facebook tại Việt Nam? Cho dù họ có khả năng, đó là việc làm hoang phí chỉ để ngăn chặn chuyện “xúc phạm lãnh đạo”.”

Đồng quan điểm, RFA dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho rằng, đây là điều rất vô lý.

“Đối với những danh khoản Facebook mà người ta đang sử dụng, lâu lâu vẫn bị hack và dùng danh khoản này đi mượn tiền người khác. Nếu nói vậy thì rõ ràng, chủ danh khoản này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác. Nhưng thực tế thì không có một cơ quan công an nào đứng ra giải quyết những chuyện đó cả.”

“Và về nguyên tắc xử phạt…, nếu danh khoản nào đó có bài viết nào đó bị cho là vi phạm đường lối của nhà nước, vi phạm luật an ninh mạng, thì cơ quan đó phải chứng minh chủ tài khoản cố tình vi phạm… Chủ tài khoản không bị buộc phải chứng minh mình không vi phạm.”

“Đây là một chiến dịch đàn áp tự do ngôn luận.”

Hình: Bài trên RFA

Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho biết thêm:

“Một số trường hợp mà tôi chứng kiến trong một số vụ án. Đó là khi công an tạm giữ một ai đó, việc đầu tiên họ làm là tịch thu điện thoại mà không có biên bản, chẳng có niêm phong. Một thân chủ của tôi bị thu điện thoại như thế. Lát sau họ quay lại họ nói trong điện thoại có một số bài viết và hình ảnh vi phạm. Dù thân chủ tôi phản đối kịch liệt nhưng vẫn bị bắt và bị xử lý hình sự. Tức là họ không theo một quy luật nào hết.”

RFA cho biết, Luật An ninh mạng của Việt Nam được Quốc hội thông qua vào ngày 12/6/2018, bất chấp sự phản đối của người dân cũng như sự lên án của các tổ chức bảo vệ tự do ngôn luận, tổ chức nhân quyền quốc tế và Hoa Kỳ. Luật này có hiệu lực vào ngày 1/1/2019.

Theo RFA, truyền thông nhà nước cho hay, từ đầu năm đến nay, khoảng 120 trang web và 60 tài khoản mạng xã hội xuyên biên giới đã bị đưa vào Blacklist (danh sách đen). Danh sách này được gửi định kỳ cho các đơn vị quảng cáo và nhãn hàng, nhằm khuyến nghị không quảng cáo, chặn nguồn tiền của các kênh vi phạm, trong trường hợp chưa thể gỡ bỏ khỏi nền tảng.

RFA dẫn ý kiến của một Facebooker nói rằng:

“Không phải người dùng mạng xã hội nào cũng rành về IT, rành về kỹ thuật số, nên nếu đổ trách nhiệm cho người sử dụng mạng khi danh khoản bị hack, thì tất cả người dùng mạng xã hội Việt Nam đều có nguy cơ bị phạt, thậm chí bị tù vì cái quy định gọi là không bảo mật.”

“Tôi không loại trừ trường hợp hacker nhận lệnh từ nhà nước để hack tài khoản ai đó rồi đổ tội cho họ.”

RFA cho biết thêm, các mạng xã hội lớn gồm YouTube, TikTok và Facebook, trong khoảng thời gian chỉ một tháng đã xóa gần 800 bài đăng có nội dung bị cơ quan chức năng Việt Nam cho là “không trung thực, tiêu cực… chống lại đảng, nhà nước, tổ chức, cá nhân…, xúc phạm lãnh tụ”.

Quang Minh

>>> Liệu Trung Quốc có tha mạng sống cho ông Tổng?

>>> Khi cụ Tổng học Triệu Cao

>>> Cảnh báo Việt Nam ồ ạt đầu tư sân golf khiến diện tích đất canh tác và rừng giảm mạnh?

>>> Gánh khoản nợ hơn 461 ngàn tỷ, VinGroup của ông Vượng trụ bao lâu?

Kết luận đầy sạn của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận đối với những nội dung tố cáo của các cầu thủ bóng đá