Link Video: https://youtu.be/_6MYvyPv6K8
Ngày 19/10, báo Thanh Niên cho hay “Số đối tượng nhận hối lộ bị phát hiện năm 2023 tăng gần 700%”.
Thanh Niên dẫn báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, năm 2023, số vụ nhận hối lộ tăng gần 447%, số đối tượng nhận hối lộ bị phát hiện, xử lý cũng tăng gần 700% so với năm 2022. Tuy nhiên, tài sản thu hồi trong các vụ tham nhũng chỉ là 477 triệu đồng, bằng gần 37% của năm trước đó.
Đọc tin này, chắc hẳn, nhiều người không khỏi cảm thán: Công an Việt Nam quá giỏi, hay quan tham quá siêu! Bởi năm 2023 này đâu có thiếu đại án, điển hình là vụ trái phiếu doanh nghiệp và vụ đăng kiểm đó thôi!
Số đối tượng nhận hối lộ tăng gấp 7 lần, nhưng tài sản thu hồi từ tham nhũng chỉ được hơn 1/3. Như vậy, chỉ có mấy cách để lý giải, hoặc là ngành công an, vì thành tích hay vì lý do nào đó, như đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực trong các cơ quan công quyền, rồi mượn tay công an chẳng hạn, mà phía công an đẩy án tham nhũng lên quá lố; hoặc công an thông đồng cùng kẻ tham nhũng, để “ém” bớt số tiền thu hồi, hoặc là kẻ tham nhũng quá siêu, tiền vừa vào tay là đã tẩu tán bằng sạch, không còn gì cho công an thu.
Do tình trạng thiếu minh bạch, nên người dân không thể biết lý do thực sự của tình trạng này, nhưng chắc không ai tin là có quan chức nào đó không tham nhũng, không nhận hối lộ. Nên khả năng quan tham bị “oan” có lẽ là thấp, nếu có “oan”, chẳng qua chỉ là sự bất bình đẳng giữa những kẻ tham nhũng bị lộ và không bị lộ mà thôi.
Báo Thanh Niên cho biết, năm 2023, cơ quan chức năng đã rà soát, khắc phục sơ hở, thiếu sót để phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, bất động sản, mua sắm thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đăng kiểm phương tiện cơ giới, đào tạo, sát hạch lái xe, hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài, hoạt động thương mại điện tử… theo phương châm “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực“, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn được dẫn chứng, theo báo Thanh Niên, là vụ án Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC; vụ án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh; vụ án Công ty Việt Á; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC…
Theo số liệu được Thanh Niên dẫn ra từ Phụ lục gửi kèm trong Báo cáo của ông Tô Lâm, thì số vụ về quản lý kinh tế, về tham nhũng và chức vụ, đối tượng nhận hối lộ… đều tăng khủng so với năm 2022.
Tuy nhiên, số lượng vụ lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản và số vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ có xu hướng giảm hoặc tăng không đáng kể, Thanh Niên cho hay.
Điều này cũng dễ hiểu, bởi sau mấy đại án như chuyến bay giải cứu, Việt Á, AIC, thì cán bộ, quan chức nhà nước có xu hướng ỳ ra, không làm việc, để tránh bị “vào lò”. Như vậy, khi quan chức không làm việc thì cũng đồng nghĩa là họ không lạm dụng chức vụ quyền hạn…
Tất nhiên, hậu quả là bộ máy công quyền tê liệt, các dự án công đình trệ, không thể triển khai, hoặc đã triển khai thì không được giải ngân. Điều này góp phần làm cho nền kinh tế đang trên đà suy thoái tiếp tục suy thoái sâu hơn và cho đến nay, dù đã hơn 2 năm, vẫn chưa có dấu hiệu của sự phục hồi.
Thu Phương
>>> Vì sao Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Ninh Bình lại thách thức dân?
>>> Vì sao Đà Nẵng liên tục bị ngập nặng những ngày qua?
>>> Sữa có chất kịch độc trong vụ 2 mẹ con chết sau khi uống sữa ở Tiền Giang
>>> Sự nguy hại của dự án kênh đào Đế chế Phù Nam
Điều gì sẽ xảy ra khi người lao động chỉ được rút 50% tiền bảo hiểm xã hội?