Vụ người mẫu Ngọc Trinh bị công an khởi tố bắt tạm giam 3 tháng, với hành vi gây rối trật tự công cộng trên “không gian mạng”, sẽ trở thành một tiền lệ nguy hiểm trong việc sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam.
Trong lúc, luật pháp Việt Nam đến thời điểm này vẫn chưa có quy định cụ thể nào về hành vi “gây rối trật tự công cộng trên không gian mạng”.
Dư luận đánh giá, bản chất của vụ việc khởi tố bắt giam Ngọc Trinh, là câu chuyện tiếp theo của chuyện doanh nhân Nguyễn Phương Hằng, nhà báo Hàn Ni trước đó đã bị khởi tố, bắt giam theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Họ đều là những người nổi tiếng, với số fan hâm mộ lên tới hàng triệu người. Mà người nổi tiếng chính là nỗi ám ảnh, bất an của chính quyền Việt Nam.
Trong những ngày này, mạng xã hội lại nổi lên tranh cãi, khi người ta đem so sánh việc cơ quan công an khởi tố, bắt giam người mẫu Ngọc Trinh, vì lý do chạy xe mô tô nguy hiểm, với câu chuyện hai anh em nghệ sĩ xiếc Giang Quốc Cơ, Giang Quốc Nghiệp, vừa chạy xe gắn máy, vừa “chồng đầu” lên nhau, tại một khu vực thuộc phường An Khánh, thành phố Thủ Đức, Sài Gòn.
Trong khi Ngọc Trinh có đội mũ bảo hiểm, còn anh em nghệ sĩ xiếc họ Giang thì không đội nón bảo hiểm, mà còn biểu diễn xiếc chồng đầu trên đường, điều nguy hiểm gấp vạn lần.
Thậm chí, có người còn so sánh và đặt câu hỏi, tại sao, cũng Công an thành phố Hồ Chí Minh, mà họ lại tha bổng cho 4 tiếp viên Vietnam Airlines xách hơn 11kg chất cấm, còn với Ngọc Trinh, chỉ chạy xe motor biểu diễn, thì lại khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng.
Một câu hỏi nữa mà dư luận thắc mắc, đề nghị cơ quan công an trả lời cho công luận biết, đó là, hành vi của anh em nghệ sĩ xiếc Giang Quốc Cơ, Giang Quốc Nghiệp có tính là việc “gây rối trật tự công cộng” hay không? Và vì sao, vi phạm đó đã xảy ra nhiều tháng vẫn chưa xử lý, trong khi Ngọc Trinh chỉ sau 10 ngày vi phạm đã bị bắt giam?
Có nhiều ý kiến mỉa mai nhận xét rằng, “Mấy bạn đừng đòi “công bằng” nhe, 1 đằng “nghệ sĩ ưu tú”, một đằng là “người mẫu nội y” thì sao xử lý giống nhau được?”
Rõ ràng, những so sánh vừa kể trong vụ việc bắt giam người mẫu Ngọc Trinh đã cho thấy, có sự áp dụng “tiêu chuẩn kép” trong việc xử lý các vi phạm giao thông của Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an thành phố Hồ Chí Minh.
Theo định nghĩa, “Tiêu chuẩn kép là cùng một sự việc, hành động, nhưng lại có nhận định đánh giá theo nhiều hướng khác nhau, xử lý tùy theo cái nào có lợi và phù hợp với mục đích của mình, đa số dùng để bao biện hoặc hợp lý hóa cho hành vi của mình, áp đặt lên phía còn lại.”
Trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật, việc điều tra, xét xử các vụ án, nếu áp dụng “tiêu chuẩn kép”, thì có nghĩa là, “hai vụ việc tương đồng nhau, nhưng lại được xử lý bằng các tiêu chuẩn khác nhau”.
Trong khi, Điều 16 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 sửa đổi, đã hiến định rõ ràng: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.”
Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật có nghĩa là, nhà nước phải bảo đảm tất cả mọi người đều có vị thế ngang nhau trước pháp luật, và đều có quyền không bị phân biệt đối xử, được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; trong việc hưởng các quyền và thực hiện các nghĩa vụ.
Đồng thời, luật pháp Việt Nam luôn khẳng định, việc con người sinh ra có thể khác nhau về nhiều mặt, kể cả địa vị xã hội, nhưng đó không phải là căn cứ để pháp luật phân biệt trong việc chịu trách nhiệm pháp lý. Mà bất kỳ tổ chức, công dân nào vi phạm pháp luật, đều bị xử lý bằng các chế tài theo quy định của pháp luật.
Phải chăng, chế độ toàn trị của Đảng Cộng sản – lãnh đạo không do nhân dân bầu ra – nên Đảng đã tạo ra những đặc quyền, đặc lợi, để bảo vệ người mà họ muốn bảo vệ?
Theo giới quan sát, “tiêu chuẩn kép’ được áp dụng nhiều lần trong việc xét xử các vụ án tham nhũng của quan chức. Và việc những bị can từng là quan chức của chế độ, được áp dụng mức án “nhẹ” hơn theo luật định, và nhẹ hơn những đồng phạm là thường dân, đã khiến dư luận hết sức bức xúc./.
Trà My – Thoibao.de