Link Video: https://youtu.be/CUVTTudVLfU
Ngày 24/10, VOA Tiếng Việt có bài “Bà Nhàn AIC bị xét xử trong vụ tham nhũng hồi ông Phạm Minh Chính lãnh đạo Quảng Ninh”.
Theo đó, trong phiên tòa mới nhất hôm 24/10, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đề nghị mức án lên đến 11 năm tù đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, vì vai trò của bà trong việc đấu thầu các thiết bị y tế tại một bệnh viện tỉnh. Bà Nhàn từng là Chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và đang bị Việt Nam truy nã vì bỏ trốn.
VOA dẫn truyền thông nhà nước tường thuật, bà Nhàn, cùng 15 bị cáo khác, trong đó có 4 người đang bỏ trốn và bị truy nã, gồm cả bà Nhàn, bị đưa ra xét xử trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh năm 2012, theo truyền thông trong nước.
VOA cho biết, bà Nhàn, được cho là một “nhân vật quan trọng” trong việc thúc đẩy và môi giới các hợp đồng vũ khí giữa Israel và Việt Nam trong thập niên qua, bị cơ quan điều tra Bộ Công an Việt Nam phát lệnh truy nã vào tháng 5/2022 sau khi bà đã bỏ trốn kể từ ngày 19/6/2021.
Theo VOA, cáo trạng được Tuổi Trẻ trích dẫn cho biết, bà Nhàn là “người trực tiếp chỉ đạo cấp dưới móc ngoặc” với các cá nhân tại Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình y tế, do Sở Y tế Quảng Ninh làm chủ đầu tư, và tại Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh, cũng như tổ chức cho các “quân xanh”, “quân đỏ” đấu thầu để trúng 6 dự án. VTC News cho biết, hành vi bà Nhàn và các đồng phạm gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền trên 50 tỷ đồng.
VOA cho hay, đây là vụ án thứ ba mà bà Nhàn bị khởi tố. Trước đó, bà Nhàn bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội xét xử vắng mặt, và bị kết án tổng cộng 30 năm tù, cho các tội danh liên quan đến vụ bê bối gói thầu trang thiết bị y tế của Công ty AIC tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, vào cuối năm ngoái.
Tiếp theo, giữa tháng 4 năm nay, bà Nhàn tiếp tục bị Bộ Công an khởi tố trong vụ án mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh.
VOA nhận xét, phiên tòa tại Quảng Ninh thu hút sự chú ý đối với Thủ tướng Phạm Minh Chính, người từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, từ năm 2011 đến năm 2015, đây là thời gian này vụ án đã xảy ra.
VOA dẫn tờ Nikkei Asia cho rằng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, một nhân vật nặng ký của Đảng Cộng sản, đang được xem là đối thủ của ông Chính, làm dấy lên suy đoán rằng, vụ án có thể có liên quan đến một cuộc tranh giành quyền lực trong Đảng Cộng sản.
Trong khi đó tờ, Intelligence Online nói rằng, mối quan hệ thân thiết giữa Bí thư tỉnh Quảng Ninh lúc bấy giờ, tức ông Chính, và bà Nhàn, dẫn đến việc nhiều hợp đồng cho AIC được ký kết với tỉnh này.
Thực tế, nhiều tờ báo quốc tế đã đề cập đến mối quan hệ giữa ông Phạm Minh Chính và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cho rằng, hai người có một người con gái chung, hiện đang sống tại Anh. Vì vậy, việc bắt bà Nhàn có thể sẽ quyết định cán cân quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.
VOA nhắc lại việc nhật báo Taz, hồi đầu tháng 8 tiết lộ rằng, bà Nhàn đã đến sinh sống ở Đức trong nhiều tháng qua. Trong bài điều tra của Taz nói rằng, các mật vụ Việt Nam đang tìm cách bắt cóc bà Nhàn, và Việt Nam đã gửi văn bản đề nghị dẫn độ bà Nhàn, nhưng bị chính phủ Đức từ chối.
Giới lãnh đạo Việt Nam cũng đã nhiều lần thể hiện quyết tâm muốn bắt bà Nhàn về nước để chịu sự xét xử cho bằng được. Nhưng cho đến nay, đã hơn 2 năm trôi qua, nhưng có vẻ như quyết tâm này không dễ thực hiện.
Xuân Hưng
>>> Vì sao Bộ Công an khởi tố vụ án “đất hiếm” vào thời điểm hiện nay?
>>> Cảnh báo: chính quyền Việt Nam đang bóp nghẹt và triệt hạ đường sống của giới văn nghệ sĩ?
Vụ Ngọc Trinh sẽ còn nhiều hệ lụy
Pháp luật