Nếu căn cứ vào thành tích, thì rõ ràng, ông Tô Lâm – Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an – là người hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của Đảng giao. Chưa có Bộ trưởng nào mà lại đích thân sang tận châu Âu để bắt người về, cho ông Tổng Bí thư thanh trừng đối thủ lớn. Tuy nhiên, bên cạnh chiến công oanh liệt ấy, thì ông Tô cũng mang về cho Việt Nam một hệ lụy rất lớn trong quan hệ ngoại giao với Đức.
Người mà trung thành với cấp trên vô điều kiện, thì người đời gọi là “ngu trung”. Người mà biết can gián cấp trên làm điều đúng, thì mới là trung thành đúng nghĩa. Ông Tô Lâm bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp luật pháp Đức, cho lính thực hiện vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh theo yêu cầu của cấp trên, là trung thành mà thiếu trí tuệ, nếu là thời phong kiến, ông bị liệt vào loại người ngu trung. Tức trung thành ngay cả với điều sai quấy.
Ông Tô Lâm trèo lên đến chức Bộ trưởng Bộ Công an, và là Ủy viên Bộ Chính trị, thì ông cũng phải có ưu điểm nào đấy.
Tuy nhiên, có người nhận xét, thật ra, khuyết điểm của ông Tô Lâm cũng chính là ưu điểm của ông. Bởi chế độ này cần những con người ngu trung, chứ không cần người có trí tuệ, nên ông Tô Lâm được thời. Ông Tổng Bí thư cần những con người như vậy để sai đâu đánh đó, có như thế mới dẹp được nhiều đối thủ. Việc bất chấp luật pháp quốc tế và luật pháp nước sở tại để bắt cóc người, đối với người đứng đầu Đảng là công lao, không phải là tội đồ.
Một tướng giỏi thì khi điều tra bất kỳ ai, người đấy cũng không hề hay biết. Còn khi vừa mới bắt tay vào điều tra, đã để cho chính người bị điều tra nắm được thông tin mà cao chạy xa bay, thì đấy là tướng dở, chứ không phải là tướng giỏi. Làm tốt công tác bảo mật thông tin thì việc bắt tội phạm dễ dàng hơn nhiều. Làm tốt bảo mật, thì người bị điều tra luôn trong tầm tay, còn không làm tốt mà để cho người bị điều tra trốn thoát, thì dù có đổ công đổ sức ra gấp trăm lần, cũng chưa chắc tóm được. Có vẻ như, ông Tô Lâm không hề rút ra được bài học nào từ những lần để cho người bị điều tra nắm thông tin, rồi trốn thoát.
Chưa có thời Bộ trưởng Công an nào mà lại để đối tượng trốn thoát nhiều như thời ông Tô Lâm. Trịnh Xuân Thanh, Hồ Thị Kim Thoa, Bùi Quang Huy, Vũ Đình Duy, Nguyễn Thị Thanh Nhàn v.v.. đều đã trốn thoát. Nguyên nhân là Tô Lâm không bảo mật được thông tin điều tra.
Trong những người đã trốn thoát kể trên, chỉ duy nhất một mình Trịnh Xuân Thanh là bị bắt cóc trở lại, còn lại những người kia, giờ này như đang thách thức ông Tô Lâm. Một người non cơ khác như Đỗ Văn Sơn – cựu Kế toán Trưởng của AIC – mới bị bắt, còn lại những người “già rơ” như Nguyễn Thị Thanh Nhàn, thì làm sao ông Tô Lâm bắt được?
Mới đây, Bộ Công an lại phải cho phát lệnh truy nã đối với 7 bị can, trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Lại một lần nữa, ông Tô Lâm để cho chim trên tay tung cánh bay mất, rồi sau đó phải vất vả truy tìm. Những người này có nhiều tiền, có nhiều quan hệ, và họ biết, nếu lọt vào tay Tô Lâm thì nguy hiểm như thế nào.
Quan hệ giữa chính quyền và các nhà quản lý doanh nghiệp là quan hệ lợi ích. Không một nhà quản lý nào không bung tiền ra để nuôi những thành phần trong chính quyền, để đổi lại sự giúp đỡ của họ. Việc các đối tượng trong các vụ án lớn nhận được tin sớm và cao chạy xa bay, nó thể hiện sự thối nát của chế độ này. Thực ra, để có được những thông tin mật, thì những người bị điều tra thường phải mất tiền để mua nó. Có lẽ, ông Tô Lâm nên cho điều tra ngay trong cơ quan điều tra của ông, để làm rõ. Bởi những người trong cuộc, làm công tác điều tra, mà không nói ra thì chẳng ai biết.
Việc để quá nhiều chim trong tay dễ dàng bay mất, rồi vất vả tìm cách bắt lại, là cách làm của người thiếu trí tuệ. Không biết vì sao ông Tổng lại dùng Tô Lâm?
Ý Nhi – Thoibao.de