Ngày 15/11, báo chí nhà nước đồng loạt thông báo, ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội – đã bị Công an Thái Bình bắt tạm giam, về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” theo Khoản 4 Điều 170 Bộ luật Hình sự.
Ông Nhưỡng bị cáo buộc có vai trò đồng phạm với một nhóm giang hồ, cưỡng đoạt tiền của nhiều doanh nghiệp khai thác cát. Thông tin cho biết, ông Nhưỡng vừa xuống sân bay Nội Bài vào tối ngày 14/11, thì bị bắt giam.
Báo chí cho biết, việc bắt ông Lưu Bình Nhưỡng là bởi quá trình điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường, 37 tuổi, về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Nhà chức trách cáo buộc Cường và đồng phạm đã tự xác lập quyền sử dụng trái phép các bãi triều, để cưỡng đoạt tiền của một số doanh nghiệp khai thác cát.
Không biết, việc ông Lưu Bình Nhưỡng bị dính đến tội “cưỡng đoạt tài sản” là đúng được bao nhiêu phần trăm. Thời gian gần đây, nhiều người mà chính quyền Cộng sản không vừa mắt với những hành động hoặc tiếng nói của họ, đều bị chính quyền Cộng sản ghép vào một tội hình sự nào đấy.
Ví dụ như, các nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng, Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương đều bị bắt vì tội “trốn thuế”. Trước đây, năm 2008, Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bị bắt cũng vì tội “trốn thuế”.
Được biết, tội “trốn thuế” cũng là cách mà chính quyền Bắc Kinh sử dụng để bắt giữ công dân của họ – những người khiến chính quyền không hài lòng.
Mới đây, hồi tháng 4/2023, ông Tô Lâm cho lính sang Thái Lan bắt cóc Blogger Đường Văn Thái, rồi mang về Việt Nam. Tuy nhiên, báo chí Việt Nam lại gán cho ông Thái tội “xâm nhập biên giới bất hợp pháp”. Cho nên, với những người có tiếng nói hoặc hành động bị chính quyền Cộng sản liệt vào “thành phần phải loại bỏ”, thì chính quyền sẽ tìm đủ thứ lý do để ghép tội, tránh những chỉ trích của các nước dân chủ, đặc biệt là Mỹ và các nước EU.
Chính vì Đảng Cộng sản có tiền lệ vu khống, gán ghép tội, để dập tắt những tiếng nói trái chiều, nên việc bắt ông Lưu Bình Nhưỡng với tội danh “Cưỡng đoạt tài sản” không thể không khiến cho dư luận nghi ngờ về động cơ của họ. Chỉ cần một lần bất tín thì vạn lần mất tin, còn Đảng Cộng sản thì đã có đến vạn lần bất tín, làm sao có thể thuyết phục dân tin rằng, ông Lưu Bình Nhưỡng thật sự dính đến tội “Cưỡng đoạt tài sản”?
Rất khó để dân tin.
Ông Lưu Bình Nhưỡng được xem là một tiếng nói khó chịu đối với chính quyền Cộng sản. Ông là người có trình độ và là người can đảm, khi dám cất lên tiếng nói trái chiều giữa một rừng nghị gật. Thông thường, trong các buổi chất vấn tại nghị trường được truyền hình trực tiếp, chính quyền Cộng sản thường lo lắng rằng, không biết ông Nhưỡng sẽ nói gì.
Vì để bịt đi tiếng nói lẻ loi nhưng được lòng dân này, chính quyền Cộng sản đã loại ông Nhưỡng ra khỏi vị trí Đại biểu Quốc hội khóa 15. Mặc dù ông còn giữ chức Phó ban Dân nguyện của Quốc hội, nhưng ông không được có mặt trên nghị trường.
Còn nhớ, năm 2018, khi ông Lưu Bình Nhưỡng còn là Đại biểu Quốc hội, ông đã có một cuộc va chạm nảy lửa với ông Nguyễn Hữu Cầu, Đại tá, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An. Ông Nhưỡng lúc đó không ngần ngại nói ra sự thật, rằng “Ngành công an sai phạm rất khủng khiếp, không thụ lý tin báo tố giác tội phạm là 94%, chậm gửi quyết định cho Viện Kiểm sát là 86%, xử lý tin quá hạn 99,7% và vi phạm tống đạt là 100%”.
Việc ông Nhưỡng động chạm tới nhóm Nghệ An, xem như ông đã chọc vào “ổ kiến lửa”. Vì vậy, việc ông bị loại khỏi vai trò Đại biểu Quốc hội khóa 15 là điều mà nhiều người có thể tiên đoán được.
Hiện nay, ông Nhưỡng không xuất hiện trước Quốc hội, nhưng ông vẫn trả lời báo chí và lên tiếng về một số vấn đề mà xã hội quan tâm, như vụ án Hồ Duy Hải hay Nguyễn Văn Chưởng. Thậm chí, ông còn có một số phát ngôn trái ngược với quan điểm của Tổng Bí thư.
Tất cả những điều này khiến cho chính quyền Cộng sản không thích. Nay thì họ đã thành công dập tắt tiếng nói của ông Lưu Bình Nhưỡng.
Ý Nhi – Thoibao.de