Link Video: https://youtu.be/_fYoTkXA83o
RFA Tiếng Việt ngày 15/11 cho hay “Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt giam vì cáo buộc “cưỡng đoạt tài sản”.
Theo đó, Công an tỉnh Thái Bình bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, cựu Đại biểu Quốc hội, người nổi danh với những phát biểu không ngại đụng chạm ở nghị trường.
RFA dẫn Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Thái Bình, cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh hôm 14/11 đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lưu Bình Nhưỡng (sinh năm 1963) trú tại quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, để điều tra về tội “Cưỡng đoạt tài sản” quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự.
Các Quyết định, Lệnh nêu trên đã được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thái Bình phê chuẩn.
RFA cho biết, theo trang web chính thức của Công an tỉnh Thái Bình, đây là kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường, sinh năm 1986 (thường gọi là Cường “quắt”, là đối tượng hình sự, có 3 tiền án), trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình trong lúc khám xét đã thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu, bị cho là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án.
RFA dẫn lời Luật sư Lê Văn Hòa, cựu chuyên viên cao cấp hàm Vụ trưởng của Ban Nội chính Trung ương, trưa 15/11, bày tỏ sự ngạc nhiên khi thấy báo chí trong nước đồng loạt loan tin ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt.
Ông Hòa nói:
“Thứ nhất là tôi bất ngờ, vì một người mà lâu nay vẫn được tiếng trong dư luận xã hội, ca ngợi là một trong những Đại biểu Quốc hội rất hiếm hoi, có những tiếng nói bảo vệ lẽ phải rất mạnh mẽ trong Quốc hội.”
“Tôi bất ngờ ở điểm đó, nhưng nếu như, giả dụ cơ quan điều tra có đủ tài liệu để kết luận hành vi phạm tội “cưỡng đoạt tài sản” của ông Lưu Bình Nhưỡng, thì tôi thật sự thấy mừng.”
Theo ông Hòa, nếu sự việc là có thật, thì có nghĩa, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực do ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và lãnh đạo, đạt được rất nhiều kết quả tốt và hoàn toàn không có vùng cấm.
Trang Facebook cá nhân của ông Lưu Bình Nhưỡng đăng tải nhiều link, bài viết của các tờ báo trong nước, và đưa ra ý kiến của mình.
Video cuối cùng ông đăng chưa đến một ngày trước khi bị bắt, cho thấy, ông tham dự lễ ra mắt chương trình Net Zero của VTV9, Đài truyền hình Việt Nam.
Tuy nhiên, đa số dư luận trên mạng xã hội và báo chí hải ngoại đều cho rằng, không có lý do gì để ông Nhưỡng phải cấu kết với một băng nhóm giang hồ như “Cường quắt”. Báo chí nhà nước đưa tin khá mơ hồ, không chỉ ra được mối liên hệ giữa hai người này. Thậm chí, một số báo còn cho biết, ông Nhưỡng không có quan hệ gì với Phạm Minh Cường, và ông Nhưỡng chưa bao giờ về xã Thụy Xuân, Thái Bình.
Một sự đáng ngờ nữa là ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt ngay khi vừa bước xuống sân bay Nội Bài, một hình thức bắt khẩn cấp. Trong khi, “Cường quắt” bị bắt từ ngày 29/4, nếu ông Nhưỡng “chột dạ” thì đã bỏ trốn từ lâu. Vậy có cần thiết phải bắt khẩn cấp ông hay không?
Không những thế, những tháng gần đây, ông Nhưỡng không hề có động thái hoảng loạn, co cụm, tự bảo vệ, mà ông vẫn đường hoàng lên tiếng cho những vấn đề được xã hội quan tâm, như vụ các tử tù oan, vụ hồ Ka Pét ở Bình Thuận. Ông còn tiếp đón cha mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng một cách trang trọng, ngay tại Văn phòng Quốc hội.
Có ai tin, một tội phạm đang có nguy cơ bị bại lộ hành vi lại có thể cư xử đàng hoàng như vậy hay không?
Sự dàn dựng trong vụ án này là quá lộ liễu. Hơn nữa, gán ghép một Tiến sĩ Luật với một giang hồ vặt, phải chăng là sự cố ý hạ nhục đối với ông Nhưỡng?
Quang Minh
>>> Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ thị trường bất động sản bằng những giải pháp bất khả thi
>>> Các hãng đầu tư nước ngoài đang rút dần lợi nhuận ra khỏi Trung Quốc
>>> Xung đột pháp lý giữa nghị quyết của Đảng và chính sách của Chính phủ, kìm hãm sự phát triển
Kinh tế suy thoái, thu thuế rượu bia, thuốc lá lao dốc