Link Video: https://youtu.be/78hJUq-F-so
Ngày 20/11, RFA Tiếng Việt có bài bình luận “Vụ ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt và “sự khôn ngoan” của chế độ” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách và Phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam.
Tác giả cho hay, việc bắt “khẩn cấp” ông Lưu Bình Nhưỡng đã làm rúng động dư luận xã hội, dẫn đến đủ các kiểu đồn đoán, bình luận khác nhau.
Tác giả phân tích, những lời bàn tán có nguồn gốc từ văn hoá “truyền thống”, và sự trì hoãn ban hành cơ chế công khai minh bạch, giải trình trách nhiệm.
Một vài suy đoán dựa vào các sự kiện chính trị đang diễn ra. Chẳng hạn, ông Nhưỡng bị bắt trong những ngày nghỉ giữa hai đợt họp của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15. Hơn thế, đang diễn ra tranh luận căng thẳng giữa Quốc hội và Chính phủ, trong đó, bất cập thể chế là vấn đề nóng, thu hút nhiều ý kiến phát biểu nhất của các đại biểu Quốc hội, được coi là nguyên nhân chủ yếu của tình hình kinh tế xã hội khó khăn, tăng trưởng suy giảm. Sự căng thẳng này có thể là “mối lo” vượt tầm kiểm soát toàn diện của Đảng, sự lan rộng về biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hoá” của Quốc hội. Thậm chí, có thể dẫn đến xu hướng đòi hỏi phân chia theo hướng tam quyền phân lập, lấn át sự phân công bởi sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng.
Theo tác giả, giới quan sát, phân tích chính trị, đặt sự kiện này trong bối cảnh chế độ đang củng cố mô hình Đảng – Nhà nước mạnh, với công tác nhân sự là chính sách trung tâm của Đảng, trong bối cảnh những đại án trọng điểm như AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, Đăng kiểm… đang làm rung chuyển nền kinh tế và có nguy cơ lớn làm sụp đổ chế độ.
Tác giả bình luận, sự kiện kiểu này luôn chứa đựng bí ẩn “cung đình” và những tình huống khó đoán định. Sự bí ẩn này phản ánh cách cai trị được gọi là “sự khôn ngoan” của chế độ Cộng sản.
Tác giả cho biết, “sự khôn ngoan” là khái niệm từng gây tranh cãi từ sự khác biệt ý thức hệ giữa hai mô hình chế độ chính trị: dân chủ và toàn trị.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, đặc điểm bao trùm của chế độ độc đảng, Cộng sản toàn trị, đó là một nhà nước tập trung, quan liêu, độc đoán, có cội nguồn lịch sử lâu dài từ chế độ phong kiến, trong đó, có mức độ thể chế hóa cao và một bộ máy quan liêu rất phức tạp cai trị một xã hội đông dân, rộng lớn.
Tác giả nhận xét, một thể chế chính trị hiện đại cần phải có sự kết hợp của ba yếu tố cơ bản: nhà nước; trách nhiệm giải trình; và pháp quyền.
Nhưng yếu tố trách nhiệm giải trình trong mô hình Trung Quốc hiện nay, chủ yếu thuộc về Đảng Cộng sản, thay vì thuộc về Hoàng đế, được coi là “Thiên tử” dưới chế độ phong kiến tập quyền. Bởi vậy, giới lý luận Trung Quốc cho rằng, ngoài ba yếu tố của nền dân chủ nêu trên, thì có thể bổ sung thêm một yếu tố – “sự khôn ngoan”, ngụ ý về “minh vương” – người đứng đầu Đảng Cộng sản.
Tác giả dẫn cuốn sách “Làn sóng Trung Quốc” của Giáo sư Trương Duy Vĩ, biện minh rằng, Trung Quốc đang thúc đẩy pháp quyền, nhưng “triết lý truyền thống” vẫn giữ nguyên giá trị. Chẳng hạn, khái niệm “Thiên” hay “Thiên Đàng – Đạo Trời”, vẫn được coi là lợi ích cốt lõi và lương tâm của xã hội. Đảng luôn duy trì một không gian “nhỏ” cho các giải pháp chính trị mới, có thể cân bằng giữa pháp quyền và “Thiên.”
Tác giả cho rằng, giờ đây, sự suy thoái của mô hình Trung Quốc trong thế giới mở, phức tạp và biến động mạnh, đang thử thách “triết lý truyền thống” hay “sự khôn ngoan” của người đứng đầu Đảng Cộng sản.
Liên quan đến vụ ông Lưu Bình Nhưỡng, tác giả nhấn mạnh, việc bắt “khẩn cấp” không chỉ gây bất ngờ cho ông Nhưỡng, cho cả những “đối tượng” có liên quan, mà chỉ những người trong cuộc, trong “trò chơi” quyền lực cung đình, mới ngầm hiểu “ẩn ý”.
Tác giả kết luận, trong bối cảnh chế độ bất ổn, Đảng đã mở một không gian “lớn” cho “sự khôn ngoan”. Việc bắt giam ông Nhưỡng có thể coi là hành động “kịp thời”. Như vậy, “sự khôn ngoan” được giải nghĩa là luôn đặt sự ưu tiên cho mục đích duy trì chế độ, thay vì những tác động hay hậu quả tiêu cực của nó.
Thu Phương
>>> Cục trưởng Ngân hàng Nhà nước nhận hối lộ hơn 5 triệu USD từ Ngân hàng SCB
>>> Bệnh viện Đống Đa sửa chữa mà không thông báo, Nhà thờ Thái Hà phản đối và đòi lại tu viện
>>> Hai quan điểm trái ngược về vụ san lấp vùng đệm vịnh Hạ Long
Ông Nhưỡng bị bắt và tình trạng bất tương xứng trong môi trường tư pháp và báo chí Việt Nam