Chuyện bà Đỗ Thị Nhàn – Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II – Ngân hàng Nhà nước – trong quá trình thanh tra tại Ngân hàng SCB, với vai trò Trưởng đoàn thanh tra, đã nhiều lần bỏ qua nhiều sai phạm của ngân hàng này, để nhận quà cảm ơn theo như thông tin đã được công bố.
Báo Tuổi Trẻ ngày 18/11, đưa tin với tiêu đề, “Vụ Vạn Thịnh Phát, cựu Cục trưởng Ngân hàng Nhà nước bị cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD”.
Bản tin cho hay, ngày 17/11, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố đối với 86 bị can, trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, và các đơn vị có liên quan.
Đáng chú ý, liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, cựu Cục trưởng của Ngân hàng Nhà nước – bà Đỗ Thị Nhàn – đã bị cơ quan điều tra cáo buộc nhận hối lộ, với số tiền đặc biệt lớn, lên đến 5,2 triệu USD, thông qua lãnh đạo SCB là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đinh Văn Thành và Tổng Giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn, để bưng bít sai các phạm của Ngân hàng SCB.
Sau khi nhận tiền hối lộ, cựu Cục trưởng đã bao che, bưng bít, báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra cho Ngân hàng Nhà nước, để chỉ đạo xử lý các sai phạm của SCB.
Từ đó, các cơ quan chức năng không kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm, xảy ra tại Ngân hàng SCB, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, kết luận điều tra cho hay.
Giới quan sát nhận xét, bà Trương Mỹ Lan, thông qua Ngân hàng SCB, đã chiếm đoạt số tiền 304.000 tỷ, cộng số lãi 129.000 tỷ, tổng cộng 433.000 tỷ. Số tiền này bằng tổng thu ngân sách của thành phố Hồ Chí Minh trong một năm.
Cụ thể, tổng thu ngân sách của thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 là 381.531 tỷ đồng; năm 2022 là 471.500 tỷ đồng. Như vậy, thiệt hại từ vụ án Vạn Thịnh Phát đã lớn hơn tổng thu ngân sách của thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 và gần bằng năm 2022.
Trong bài viết “Thầy Lưu Bình Nhưỡng bị bắt và “tỷ lệ công lý’”, đăng trên website của Đài VOA ngày 17/11, Luật sư, nhà báo Lê Quốc Quân có tiết lộ một thông tin đáng chú ý, liên quan đến Lưu Bình Nhưỡng và Trương Mỹ Lan, cho biết:
“Chúng ta có thể chắc chắn rằng, việc bắt giữ thầy Lưu Bình Nhưỡng, với cáo buộc về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, chỉ là bước đầu tiên. Trước mắt, còn cả một chặng đường dài, và có thể trong thời gian tới, thầy [Nhưỡng] sẽ lại bị khởi tố về một tội danh khác, liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nếu như Đảng muốn “đi tiếp”.”
Một câu hỏi đặt ra là, việc Bộ Công an bắt khẩn cấp đối với cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng – Phó ban Dân nguyện Quốc hội – trước ngày công bố bản “Kết luận điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát”, có liên quan gì không.
Có phải Bộ Công an chuẩn bị sẵn, để cho tiếp tục khởi tố thêm tội danh đối với ông Lưu Bình Nhưỡng, liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, như tiết lộ của nhà báo Lê Quốc Quân hay không?
Có lẽ, còn quá sớm để đưa ra các đánh giá về vụ việc này, nhưng chắc chắn một điều, cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng – Phó ban Dân nguyện Quốc hội – chắc hẳn cũng có liên quan đến không ít các vụ án kinh tế, ở tầm mức đại án.
Bởi trình độ, năng lực của một Tiến sĩ Luật, cũng như tên tuổi và tiếng tăm của cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, nếu ông Nhưỡng tham gia trong vai trò là luật sư tham vấn, hay bảo vệ cho các thân chủ, là điều mong muốn của nhiều cá nhân cũng như các doanh nghiệp.
Chỉ nhìn vào căn nhà không có người ở, chỉ dùng làm nơi thờ cúng gia tiên của ông Nhưỡng ở quê, tại thôn Hà Lý, xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, cũng có thể thấy, ông Nhưỡng cũng là một người giàu có.
Vụ án mà ông Lưu Bình Nhưỡng bị khởi tố và bắt khẩn cấp ngày 14/11 vừa qua, chỉ là một vụ án “cấp xã”. Đó là vụ án Phạm Minh Cường can tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Nhà chức trách cáo buộc Cường và đồng phạm, đã cưỡng đoạt tiền của một số doanh nghiệp khai thác cát. Từ năm 2020 đến năm 2022, nhóm của Cường đã chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.
Công an tỉnh Thái Bình nhận định, “đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường đầu tư của tỉnh…”, thì trong những ngày tới, liên quan tới vụ án Vạn Thịnh Phát, xem ra, số phận của cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cũng rất khó lường.
Có lẽ, vụ án của cựu Đại biểu Quốc hội, Phó ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, không chỉ đơn thuần chỉ mang màu sắc chính trị, mà còn có thể mang yếu tố hình sự. Thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời./.
Trà My – Thoibao.de