Mới đây, báo chí nhà nước cho biết, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc là đã chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Thương Mại Cổ phần sài Gòn – SCB với một con số khổng lồ, lên đến 304 ngàn tỷ đồng, tương đương 12,7 tỷ đô la Mỹ. Một con số gây choáng váng không biết bao nhiêu người.
Thực ra, Ngân hàng SCB là một doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Đây là ngân hàng mà bà Trương Mỹ Lan lập ra, để gom tiền gửi của khách hàng, rồi chuyển vào tay bà chủ Tập đoàn. Ngoài ra, SCB còn lùa gà khách hàng gửi tiền tiết kiệm, để chuyển sang mua trái phiếu của những doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Cuối cùng, khách hàng vô tình trở thành nạn nhân của vị đại gia này. Điều này không thể diễn ra trong ngày một ngày hai, mà đã được lên kế hoạch và thực hiện trót lọt trong một thời gian dài.
Bà Trương Mỹ Lan và nhiều nhân vật liên quan rồi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, hệ thống pháp lý và năng lực quản lý, giám sát của những người vận hành bộ máy nhà nước này thế nào, mà lại để cho một tập đoàn làm giàu bằng cách lùa gà trên quy mô vô cùng lớn như thế, trong suốt một thời gian dài, mà không phát hiện?
Nếu nói Vạn Thịnh Phát nguy hiểm cho nền kinh tế Việt Nam một, thì hệ thống pháp lý đầy kẽ hở, để khủng long có thể chui lọt như thế này, sẽ là nguy hiểm gấp trăm gấp ngàn lần. Một khi nền tảng luật pháp hở toang hoác như thế, thì không chỉ Vạn Thịnh Phát, mà sẽ còn nhiều đại gia khác lợi dụng. Có điều họ chưa bị lộ mà thôi.
Không chỉ Vạn Thịnh Phát nắm Ngân hàng SCB, còn có Him Lam của đại gia Dương Công Minh nắm Ngân hàng Cổ phần Sài Gòn Thương tín – Sacombank. Sacombank là ngân hàng trong hệ sinh thái của đại gia Dương Công Minh, liệu đại gia này có để Sacombank hoạt động độc lập không? Hay lại cũng lùa gà hốt tiền cho chủ, như bà Trương Mỹ Lan đã làm? Tương tự, Teachcombank cũng thuộc hệ sinh thái của các đại gia Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh.
Những khách hàng bị SCB lừa, đã và đang đòi hỏi quyền lợi, tuy nhiên, khả năng là họ sẽ bị mất trắng, chứ chẳng thu hồi được đồng nào. Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, việc xét xử sẽ là một phiên tòa lớn với nhiều bị cáo, bị hại. Và đây là tòa án xử đại gia, nên các quan tòa được phân công xử vụ này cũng có nhiều cơ hội. Cơ hội tên tuổi được nổi và quan trọng hơn là, cơ hội được kiếm chác từ bộ máy chạy án, đằng sau các phiên tòa kiểu như thế này. Vì các vị đại gia này cũng sẽ chuẩn bị những khoản tiền không nhỏ, để cố gắng làm sao cho án nhẹ nhất có thể.
Khi đồng tiền của dân bị lọt vào tay những kẻ siêu lừa, thì những kẻ này thà “bôi trơn” cho bộ máy tư pháp ăn ngập mặt, để họ có cơ hội giảm nhẹ hình phạt, chứ họ không bao giờ trả lại cho dân. Hơn nữa, bộ máy thi hành án cũng tìm đủ cách để xà xẻo. Vậy nên người dân “đừng có mơ” là được hoàn trả lại số tiền lỡ gửi vào SCB.
Kết quả điều tra của Công an cũng cho biết, đại gia Nguyễn Cao Trí đã chiếm đoạt của bà Trương Mỹ Lan số tiền lên đến 1.000 tỷ đồng. Vậy thì, Nguyễn Cao Trí chiếm đoạt tiền của Trương Mỹ Lan, Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền của SCB, và SCB chiếm đoạt tiền người dân. Sự chiếm đoạt lẫn nhau như thế, cuối cùng, chỉ có người dân là chịu thiệt.
Cũng giống như vụ chuyến bay giải cứu, các quan chức và gian thương trấn lột dân, sau đó, những người tham gia tố tụng “trấn lột” lại tiền của những người đứng trước vành móng ngựa, thông qua hình thức chạy án. Cuối cùng, người bị hại thực sự là người dân thì chẳng được hoàn trả một xu nào.
Nào là công lý, nào là tòa án làm như có vẻ dân chủ, tuy nhiên, về bản chất, kẻ có quyền thịt kẻ thất thế. Còn công lý cho người bị hại thực sự thì mơ đi, không bao giờ có.
Ý Nhi – Thoibao.de