Vụ án Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan, kết luận điều tra của Bộ Công an cho thấy, Cơ quan Cảnh sát Điều tra C03 đã áp dụng các tội danh hoàn toàn khác nhau, với cùng một hành vi nhận hối lộ. Nếu so sánh tội danh của các thành viên Đoàn Thanh tra liên ngành, đối với Ngân hàng SCB, sẽ thấy điều đó.
Đây là lỗi cố ý làm trái của cơ quan Điều tra C03 – Bộ Công an, nó sẽ tạo điều kiện cho việc chạy án, một hiện tượng hết sức phổ biến hiện nay ở Việt Nam. Cụ thể, hành vi lũng đoạn hoạt động Ngân hàng SCB của bà Trương Mỹ Lan, đã gây thiệt hại hàng trăm ngàn tỷ, lý do là vì các cơ quan chức năng không kịp thời ngăn chặn. Trong đó có trách nhiệm của Đoàn Thanh tra liên ngành của Chính phủ.
Được biết, Đoàn Thanh tra liên ngành, bao gồm Cơ quan Thanh tra – Giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước; Thanh tra Chính phủ; Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia và Kiểm toán Nhà nước, được thành lập vào tháng 8/2017.
Theo Quyết định của Thủ tướng, Đoàn Thanh tra liên ngành có trách nhiệm: “… kiểm tra hoạt động cấp tín dụng kể từ 30/6/2014 và thực trạng nợ xấu, kế hoạch tái cơ cấu, các khoản lãi và phí phải thu, đánh giá hoạt động quản trị tại Hội sở chính và 12 chi nhánh của Thương mại Cổ phần Sài gòn (SCB)”.
Căn cứ kết luận của Cơ quan Cảnh sát Điều tra (C03), Bộ Công an, cho biết, Đoàn Thanh tra Ngân hàng SCB nói trên, gồm 18 thành viên, do bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng thuộc Ngân hàng Nhà nước, làm trưởng đoàn.
Tất cả các thành viên trong đoàn đều đã nhận tiền từ Ngân hàng SCB, để thay đổi kết quả thanh tra, và che giấu sai phạm của ngân hàng này. Riêng bà Đỗ Thị Nhàn, với tư cách là Trưởng đoàn Thanh tra, đã nhận hối lộ bằng tiền mặt số tiền lên tới 5,2 triệu USD.
Điều đó đã cho thấy mức độ phạm tội kinh hoàng của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan, cộng với sự tiếp tay của không ít quan chức chính quyền, đã làm vô hiệu hóa hệ thống pháp lý kiểm soát của nhà nước, trong lĩnh vực ngân hàng.
Trở lại vấn đề, Cơ quan Cảnh sát Điều tra C03 xử lý các đối tượng nhận hối lộ trong vụ việc này, rõ ràng đã có biểu hiện thiên vị, thiếu công bằng và không chính trực.
Cụ thể:
Trong Đoàn Thanh tra liên ngành làm việc với Ngân hàng SCB, có bà Đỗ Thị Nhàn trong vai trò Trưởng đoàn, và ông Nguyễn Văn Hưng – Phó chánh Thanh tra, phụ trách cơ quan Thanh tra – Giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Cả hai vị này cùng nhận tiền của Ngân hàng SCB, cùng nhất trí kiến nghị cho SCB được “tái cơ cấu”, và cùng đồng ý đưa SCB ra khỏi diện “kiểm soát đặc biệt”.
Theo kết luận điều tra, đổi lại sự ưu ái của SCB, ông Hưng được biếu “quà” 390.000 USD, bà Đỗ Thị Nhàn được “biếu” tới 5,2 triệu USD. Ngoài ra, tất cả những thành viên còn lại của Đoàn Thanh tra này đều được “biếu” tiền. Người nhận ít nhất là 100 triệu, người nhận nhiều nhất là 40.000 Mỹ kim.
Tuy nhiên, dù 100% thành viên Đoàn Thanh tra SCB nhận tiền, nhưng chỉ có duy nhất bà Đỗ Thị Nhàn bị đề nghị truy tố với tội danh “nhận hối lộ”; những người còn lại chỉ bị đề nghị truy tố tội danh, “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Chưa kể tới, trong số đó có 7 người đã nhận quà “hối lộ”, nhưng lại được cơ quan công an bỏ qua, không truy cứu trách nhiệm hình sự, với lý do, “… chỉ tham gia một phần việc do tổ trưởng giao, chủ động khai báo về sai phạm, nộp lại tiền đã nhận và tích cực hợp tác điều tra”.
Công luận đặt câu hỏi nghi ngờ về sự công bằng và chính trực của Bộ Công an, trong việc áp dụng pháp luật không nhất quán.
Tại sao, cùng một hành vi nhận tiền hối lộ của Ngân hàng SCB, vậy mà, có người bị buộc tội “nhận hối lộ”, có người chỉ là “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”?
Quan trọng hơn, vì đám quan tham nhận tiền hối lộ và tiếp tay cho việc “đổi trắng, thay đen”, khiến tình trạng “sức khỏe” thực sự của Ngân hàng SCB giảm sút và dẫn đến những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vậy, lý do gì mà 7 cá nhân, vốn là cán bộ của Thanh tra Chính phủ; Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia và Kiểm toán Nhà nước, lại được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự?
Trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật ở Việt Nam, quy trình điều tra, xét xử các vụ án, đều áp dụng “tiêu chuẩn kép”. Có nghĩa là, “hai vụ việc giống nhau được xử lý bằng các tiêu chuẩn khác nhau”.
Điều 16 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 (sửa đổi) đã hiến định rõ ràng: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.”
Quan trọng hơn, kẽ hở này của Bộ trưởng Công an Tô Lâm, sẽ tạo điều kiện cho việc chạy án, điều đó đồng nghĩa với việc cổ súy cho hành vi “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, là điều rất nguy hiểm cho xã hội./.
Trà My – Thoibao.de