Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được dư luận xã hội hết sức quan tâm, vì người dân hy vọng, nhiều điều khoản liên quan đến quyền sở hữu, sẽ được sửa đổi cho phù hợp với tình hình kinh tế xã hội Việt Nam hiện nay.
Nhưng việc Luật Đất đai (sửa đổi) đã bị trì hoãn nhiều lần trong nhiều năm, đến nay, đã đưa ra Quốc hội thảo luận qua 2 kỳ họp, nhưng vẫn không thống nhất. Không ít các quy định trong dự thảo vẫn có tới 2 – 3 phương án khác nhau.
Mới nhất, theo báo Dân Trí ngày 29/11 đưa tin, “Chủ tịch Quốc hội nêu lý do việc chưa thông qua dự Luật Đất đai sửa đổi”.
Bản tin của báo Dân Trí cho biết, tại phiên bế mạc kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tuyên bố:
“Quốc hội chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), là do các đại biểu “cân nhắc thận trọng nhiều mặt và quyết định xem xét, thông qua luật này tại kỳ họp gần nhất, để bảo đảm chất lượng và tính khả thi.”
Vẫn theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các dự luật: Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), sẽ được lùi lại để cân nhắc nhiều mặt, và sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp gần nhất của Quốc hội.
Cùng ngày, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, cho biết:
“Đang báo cáo cấp có thẩm quyền để tổ chức kỳ họp bất thường vào tháng Giêng 2024, xem xét các dự Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi).”
Giới quan sát cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có tính chất đặc biệt quan trọng, và tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế – xã hội, cũng như đời sống của người dân.
Trong khi đó, theo Hiến pháp Việt Nam sửa đổi năm 2013, quy định, Luật Đất đai phải được sửa đổi theo chu kỳ cứ mười năm một lần. Năm nay là vừa tròn 10 năm, và cũng là thời hạn chót phải được thông qua. Theo kế hoạch trước đó, Luật Đất đai (sửa đổi) đáng lẽ sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 29/11.
Công luận thấy rằng, việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) là điều được nhiều người trông đợi, điều đó sẽ đem lại những thay đổi đáng kể, liên quan đến các vấn đề như định giá đất theo giá thị trường, quy định quyền sở hữu đất đai…
Theo giới phân tích, để định hướng cho việc sửa đổi Luật Đất đai 2013, trước đó, năm 2022, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có Nghị quyết 18/NQ-TW, trong đó, 4 nội dung quan trọng, là kim chỉ nam để Quốc hội xem xét, để có thể ban hành Luật này. Đó là:
- Bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường.
- Thu thuế cao hơn với người có nhiều đất, nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.
- Thương mại hóa quyền sử dụng đất gắn liền với cơ chế minh bạch trong xác định nghĩa vụ thuế.
Nhưng các cuộc thảo luận bên trong và bên ngoài Quốc hội, dưới các hình thức khác nhau, tựu chung vẫn đang căng thẳng. Bởi lý do, nếu chậm công khai về đất đai, thì người dân, đặc biệt là nông dân, vẫn còn phải khổ dài dài; nhưng nếu công khai mà không rõ ràng, thì cũng sẽ tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích tiếp tục hưởng lợi, như từ trước đến nay, do liên quan đến vấn đề quyền sở hữu của tư nhân.
Xu thế chung cho thấy, các nhóm lợi ích của các lãnh đạo cấp cao trong Đảng Cộng sản Việt Nam đang thắng thế. Và đất đai sẽ tiếp tục bị tham nhũng, bị lãng phí. Điều đó được núp bóng dưới điều kiện tiên quyết là, kiên quyết giữ quyền kiểm soát thông qua chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.
Hiến pháp 2013 của Việt Nam khẳng định, đất đai thuộc “sở hữu toàn dân” do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Điều này được đánh giá là tạo ra các khúc mắc cho Luật Đất đai, vì không công nhận quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai, nên dẫn đến những vụ tranh chấp đất đai kéo dài giữa người dân và chính quyền.
Cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, Luật Đất đai 2003 và 2013, Đảng đã định hướng việc xác định giá đất phải theo thị trường, nhưng trên thực tế thì lại khác. Đó là lý do khiến Quốc hội Việt Nam phải hoãn đi, hoãn lại nhiều lần, không thể thông qua được.
Ông Đặng Hùng Võ khẳng định, “Luật Đất đai hiện nay có một yêu cầu là để phát triển kinh tế, nhưng phát triển dưới góc độ nào, vì lợi ích của ai, thì sẽ khác nhau. Lợi ích của toàn dân, của nhà nước, của các doanh nghiệp đại gia bất động sản, hay của toàn bộ nền kinh tế – cần phải xác định cho rõ ràng”./.
Trà My – Thoibao.de