Một số nhà quan sát cho rằng, ông Tô Lâm có khả năng cạnh tranh chức Tổng Bí thư nhiệm kỳ tới, nếu ông Trọng chịu rút lui. Nghĩa là, ông Tô cũng xem là thành phần “ưu tú” trong Đảng Cộng sản. “Ưu tú” đối với Đảng không có nghĩa là có tài, có năng lực, mà là có toan tính, có thủ đoạn hơn so với những nhân vật khác. Tuy nhiên, xem những gì ông Tô Lâm thể hiện, thì có vẻ, ông là một người không biết tiên liệu.
Khi Tô Lâm nắm Bộ Công an, đã để cho các đối tượng bị truy nã trốn thoát rất nhiều. Trong các nhân vật trốn thoát ấy, có thể kể ra như: ông Vũ Đình Duy – cựu Tổng Giám đốc Pvtex Đình Vũ; bà Hồ Thị Kim Thoa – cựu Thứ trưởng Bộ Công thương; bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – cựu Chủ tịch AIC; và Bùi Quang Huy – cựu Tổng Giám đốc Nhật Cường Mobile vv… và mới đây là một dàn lãnh đạo SCB trốn thoát.
Điều tra mà để lộ thông tin làm cho nghi can cao chạy xa bay, rồi sau đó phải huy động lực lượng hùng hậu truy bắt, mà cũng không tìm được người. Vừa tốn công, tốn tiền, lại vừa mất thời gian, mà không được việc. Đây là sự yếu kém của ngành công an. Lẽ ra, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cần truất phế ông Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đi, thì ngược lại, ông Tổng rất tin dùng Tô Lâm.
Với việc Tô Lâm sang tận Berlin bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mang về cho ông Tổng, thì có vẻ như, ông Bộ trưởng Bộ Công an làm được việc, chịu khó, thậm chí chịu nhục thay ông Tổng, khi mà phía Đức xỉa xói ông Bộ trưởng, thay vì bêu tên ông Tổng lên mặt báo.
Thực ra, việc phải vất vả sang tận trời Âu bắt cóc người, là do chính ông Tô Lâm tự gây ra mà thôi. Ông điều hành ngành công an thế nào, mà để thông tin lọt đến tai Trịnh Xuân Thanh, khiến ông phải huy động lực lượng hùng hậu sang tận trời Tây bắt cóc người? Với Trịnh Xuân Thanh thì bắt được, còn với những người khác thì làm sao bắt được đây?
Mới đây, trại giam Xuân Hà để sổng 2 phạm nhân, khiến Công an tỉnh Hà Tĩnh phải huy động tổng lực, gồm hơn 2.000 công an để truy bắt 2 phạm nhân này. Phải chi, quản lý chặt hơn, đừng để tội phạm trốn thoát, thì đâu phải vất vả như vậy?
Từ thượng tầng, Tô Lâm để sổng những con cá gộc. Không chỉ một con, mà là sổng nguyên cả đàn, rồi sau đó lại vất vả tung một rừng công an để truy bắt, mà chẳng bắt được bao nhiêu.
Theo cách nhìn của ông Tổng, thì có lẽ, ông Tô Lâm được đánh giá là “tướng tài”, nên ông Tổng mới trọng dụng. Tuy nhiên, thực tế, phải gọi ông là tướng tồi thì đúng hơn, bởi ông để cho quá nhiều tội phạm cao chạy xa bay. Người có trí tuệ, không bao giờ thả chim cho bay rồi tốn công bắt lại. Người có trí thì phải giữ chim thật chặt, chứ không ai lại để nó biết trước nguy hiểm, và vỗ cánh bay xa.
Toàn ngành công an, từ cao đến thấp đều chung một mẫu số như nhau cả. Họ làm việc bằng bản năng nhiều hơn là làm việc bằng trí tuệ. Họ không tiên liệu được những tình huống xấu để chu toàn công việc. Chính vì thế, tội phạm mới tìm thấy nhiều kẽ hở mà thoát thân.
Có ý kiến cho biết, nguyên nhân để cá gộc sổng là do có sự tham ô của quan chức ngành công an. Những kẻ điều tra có thể đã bán thông tin cho nghi can, để người này cao chạy xa bay. Chính vì thế mà thông tin mới dễ dàng bị lọt ra ngoài, trước khi đương sự bị bắt.
Dưới con mắt của bọn tham nhũng, thì chúng nhìn đâu cũng ra cơ hội vòi tiền. Mà tham nhũng ngành công an thế nào dân biết hết cả rồi.
Mà nói chi đâu xa, dân trong ngành không ai không biết, Tô Long con trai ông Tô Lâm? Ông “Trời con” này cũng dính rất nhiều tin đồn về việc kinh tài cho bố. Biết đâu được, tin tức để cho cá gộc nắm bắt trước và cao chạy xa bay, cũng từ những con người kinh tài này thì sao?
Với chế độ này, nhìn vậy chứ không phải vậy. Chính những kẻ truy bắt tham nhũng lại bán tin tức cho bọn tham nhũng.
Ý Nhi – Thoibao.de