Ngày 14/12, ông Tô Ân Xô – Trung tướng, người phát ngôn Bộ Công an – cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Lê Đức Thọ. Hàng loạt tờ báo đồng loạt đưa tin này. Ông Thọ bị điều tra về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Việc Bộ Công an bắt ông Lê Đức Thọ là kết quả tất yếu, khi mà ngày 17/8, Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố rằng, ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm, và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập.
Lê Đức Thọ là một trong những hạt giống đỏ. Ông này là con của ông Lê Học Thức, từng là Uỷ viên Ủy ban Kiểm tra tỉnh Vĩnh Phú (gồm Vĩnh Phúc và Phú Thọ). Là con của một quan chức, Lê Đức Thọ lại kết hôn với một con của quan chức khác. Vợ Lê Đức Thọ là bà Trần Thị Minh Vỹ – con gái ông Trần Văn Nho – cựu Giám đốc Ngân hàng nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện nay, bà Vỹ là Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Dựa vào thế lực nhà vợ, Lê Đức Thọ nhanh chóng tiến thân trong cả ngành ngân hàng, lẫn guồng máy chính trị của Đảng Cộng sản. Ngoài ra, Lê Đức Thọ còn dựa vào nhóm lợi ích Phú Thọ để cất cánh. Chính Nguyễn Văn Bình – cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – đã nâng đỡ cho Thọ. Và nhờ đó mà Thọ lên như diều gặp gió.
Được biết, trước khi rời khỏi chính trường, Nguyễn Văn Bình đã giới thiệu được cho Lê Đức Thọ vào Trung ương Đảng khóa 13, và được bổ nhiệm làm Bí thư tỉnh Bến Tre. Nhiều nguồn tin cho biết, cựu Bí thư Bến Tre có khối tài sản khổng lồ, với con số lên đến cả ngàn tỷ đồng, sau nhiều năm nắm giữ các vị trí chủ chốt trong hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, đôi vợ chồng này còn sở hữu nhiều biệt thự sang trọng ở các tỉnh thành, cùng nhiều bất động sản giá trị và cổ phần trong hệ thống ngân hàng thương mại.
Hiện nay, bộ máy chính quyền Cộng sản đầy rẫy những hạt giống đỏ. Con vua thì lại làm vua. Tất cả những hạt giống đỏ đi lên nhờ quan hệ của gia đình với chính quyền. Đặc biệt là hiện tượng nhóm lợi ích địa phương bao che, nâng đỡ người cùng địa phương, để cùng tiến ra Trung ương. Những người nhờ nhóm lợi ích chính trị địa phương che chở ấy, họ như sống trong những Boongke, không ai dám soi nên họ tha hồ đánh chén, mà vẫn lên chức.
Nhóm lợi ích Phú Thọ không mạnh, và nhân vật nặng ký nhất nhóm này là Nguyễn Văn Bình – cựu Ủy viên Bộ Chính trị – thì đã bị đá văng ra khỏi chính trường, nên Lê Đức Thọ mất đi Boongke che chở.
Thực tế, có những hạt giống đỏ đang là thành viên của các nhóm lợi ích chính trị mạnh, thì không ai dám đụng đến. Mạnh nhất hiện nay có thể kể đến là nhóm Nghệ An, kế tiếp là nhóm Hà Tĩnh. Những hạt giống đỏ đang tồn tại trong các nhóm này đều tiến thân rất vững chắc. Ví dụ như bà Phạm Thị Thanh Trà – Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Bà này bị nghi vấn có dính đến vụ thanh toán tại trụ sở Đảng uỷ tỉnh Yên Bái năm 2016, nhưng chẳng ai khui được.
Hiện nay, Lê Đức Thọ bị bắt, nhưng còn đó cá gộc Nguyễn Văn Bình, Lê Minh Hưng, Nguyễn Văn Thắng… Những người này được trao quyền sinh quyền sát trong ngành ngân hàng, nhưng họ không làm việc vì lợi ích của đất nước. Ngành ngân hàng Việt Nam hiện nay tan nát với vụ SCB và còn tiềm ẩn nhiều vụ án khác. Những ung nhọt lớn như thế, bắt đầu từ những con người tài năng thì thiếu thốn nhưng lòng tham thì vô biên. Hậu quả là nền kinh tế tan nát, đời sống dân sinh kiệt quệ, còn tầng lớp quan lại thì có khối tài sản trăm tỷ, ngàn tỷ.
Ý Nhi – Thoibao.de