Phúc thẩm “chuyến bay giải cứu”, Tổng Trọng lại bị Tô Lâm hạ knock out?

Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu” đã kết thúc. Theo giới quan sát, phán quyết của Hội đồng Xét xử Tòa án Cấp cao tại Hà Nội đối với các bị án đã cho thấy, tinh thần “nhân văn” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải “giơ cờ trắng” trước “nhóm lợi ích” của Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Báo Công An Nhân dân ngày 27/12 đưa tin, “Bị cáo Hoàng Văn Hưng được giảm án từ chung thân xuống 20 năm tù”. Bản tin cho biết, sau 3 ngày Tòa án Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm, đối với các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, ngày 27/12, Hội đồng Xét xử đã ra phán quyết đối với các bị cáo.

Theo đó, Hội đồng Xét xử phúc thẩm cho rằng, bị cáo Phạm Trung Kiên – cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế; bị cáo Vũ Anh Tuấn – cựu cán bộ Công an; và bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan – cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, đã nhận hối lộ nhiều lần với số rất lớn, nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc. Do đó, đã tuyên y án bản án sơ thẩm, ở mức chung thân.

Bị cáo Hoàng Văn Hưng được giảm án từ chung thân xuống 20 năm tù. Lý do được đưa ra, theo Hội đồng Xét xử phúc thẩm, “bị cáo Hoàng Văn Hưng đã thừa nhận hành vi phạm tội, thành khẩn khai báo, đã tác động gia đình bị cáo khắc phục toàn bộ hậu quả, gia đình bị cáo có công với Cách mạng”. Theo Hội đồng Xét xử, đây là những tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật, và là tình tiết giảm nhẹ đáng kể cho bị cáo.

Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, vẫn bị tuyên y án sơ thẩm. Lý do, Phạm Trung Kiên có hành vi vòi vĩnh, nhận hối lộ nhiều lần nhất, tới 253 lần, với số tiền nhận hối lộ đặc biệt lớn, lên đến gần 42,6 tỷ đồng. Bất kể gia đình bị cáo Phạm Trung Kiên đã khắc phục toàn bộ hâu quả gây ra, thì ông Kiên vẫn không được giảm án.

Đáng chú ý, Hội đồng Xét xử coi việc khắc phục xong hậu quả vụ án là tình tiết giảm nhẹ mới, coi đó là căn cứ chấp nhận kháng cáo. Hội đồng Xét xử đã chấp nhận kháng cáo và đã xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với nhiều bị cáo. Kể cả hai bị cáo không có đơn kháng cáo, là Nguyễn Anh Tuấn – cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội; và Trần Việt Thái – cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, cũng được giảm án.

Những phán quyết của Hội đồng Xét xử phiên Toà phúc thẩm được giới quan sát và công luận đánh giá, tạm chấp nhận được.

Đối với bị cáo Hoàng Văn Hưng – cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công An – rõ ràng, có sự thiếu công chính và bỏ lọt tội phạm, có lợi cho bị cáo Hưng, từ phía Cơ quan Điều tra của Bộ Công an, cũng như Hội đồng Xét xử.

Vì sao, Tòa lại bỏ qua việc thực nghiệm lời khai của bị cáo Hưng, về chiếc va ly khóa số có thể đựng được 4 chai rượu hay 450 ngàn USD?

Theo giới phân tích, Tòa cần lý giải tại sao, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Hưng lại cãi bằng được. Điều đó liên quan gì đến số tiền Hưng nhận từ bị cáo Nguyễn Anh Tuấn? Số tiền đó được luân chuyển qua tay những ai, để cuối cùng quay trở lại để khắc phục hậu quả? Nhất là, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an và bị cáo Hoàng Văn Hưng đều là chỗ “người nhà”.

Chắc chắn, việc bị cáo Hoàng Văn Hưng bất ngờ nhận tội và nộp lại số tiền 18,8 tỷ, là sự thỏa thuận cũng như mong muốn của ông Tô Lâm và Bộ Công an. Không chỉ là việc Bộ Công an đỡ mất mặt vì những hành động và phát ngôn mang tính ngoan cố của cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an.

Theo Hội đồng xét Xử, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nên khi quyết định hình phạt, phán quyết phù hợp, nghiêm minh nhưng đảm bảo nhân văn. Điều đó liên quan gì tới phát biểu của Tổng Bí thư Nguyên Phú Trọng, người đã đưa ra chủ trương “nhân văn”: “Cán bộ nào đã có sai phạm rồi tự giác xin thôi, tự giác xin nộp lại tiền, thì mình “miễn xử hoặc xử nhẹ”; Không phải cứ xử nặng mới là tốt, cách chức hết tất cả mới là tốt…”

Vậy tại sao, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan – cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao – lại không được Hội đồng Xét xử ưu ái giống như bị cáo Hoàng Văn Hưng?

Đó là lý do, công luận thấy rằng, khi Tổng Bí thư Trọng, người đứng đầu Cơ quan Phòng Chống tham nhũng Trung ương đã “hết vị”. Đồng thời, Bộ trưởng Tô Lâm trỗi dậy, thao túng các cơ quan tư pháp, kể cả hội đồng xét xử. Chắc hẳn, Tổng Bí thư không khỏi tâm tư, khi ở thế bị Tô Lâm ra đòn cho “lấm lưng, trắng bụng”.

Xin nhắc lại, ở Việt Nam hiện nay, không chỉ “cứ bắt là có tội, cứ ra Tòa là có án”, mà còn “có tiền để chạy án là sẽ thoát tội”. Khi ấy, tội nặng sẽ thành tội nhẹ, tội nhẹ trở thành vô tội, là chuyện ai ai cũng biết.

Vụ án “chuyến bay giải cứu” có lẽ cũng không tránh khỏi chuyện chạy án này!./.

Trà My – Thoibao.de

28.12.2023