Những vở bi, hài kịch mang tên “Đại án” ở VN

Ngày 30/12, blog J.B Nguyễn Hữu Vinh có bài “Những vở bi, hài kịch mang tên “đại án”.

Tác giả cho rằng, các “đại án” ở Việt Nam vừa qua là những vở bi, hài kịch của xã hội Việt Nam thời Cộng sản. Nó không chỉ diễn ra trên sân khấu, mà đang diễn ra trong thực tế đời sống xã hội.

Hàng loạt các bi kịch đã xảy ra trong đại dịch Covid đủ để nói lên tính khốc liệt, sự khốn khổ của người dân và nhất là bản chất của hệ thống công quyền. Hàng chục ngàn người đã bỏ mạng, chỉ bởi sự vô cảm, bởi sự cứng nhắc, bởi sự kiêu ngạo Cộng sản, bởi những sai lầm chẳng giống ai của hệ thống công quyền, không thể cứu vãn gây ra.

Còn hài kịch, theo tác giả, nằm ở phát ngôn của quan chức, như “Nếu cột điện ở Mỹ có chân cũng sẽ về Việt Nam” (Nguyễn Xuân Phúc) hoặc “con virus này chắc chắn không làm gì được Việt Nam” (Vũ Đức Đam). Hài kịch còn ở chỗ, cả hệ thống công quyền, với đội ngũ dư luận viên của Đảng cổ vũ, rồi tổ chức những chuyến bay “ngạo nghễ” để “đón công dân Việt Nam về chăm sóc”, nhưng thực chất là bóp hầu, bóp cổ người dân…

Tác giả nhận xét, màn hài kịch còn tiếp diễn ở các toà án xét xử các đại án này.

Ở đó, việc phát hiện, điều tra, xét xử của cả hệ thống luật pháp nước nhà đã không thể ngăn cản được người dân bật lên những câu hỏi, những thắc mắc dẫn đến những câu chửi thề, rồi cuối cùng là là những trận cười méo mó.

Ở đó, người ta giật mình thấy, nhiều điều tưởng chừng không thể, mà vẫn xảy ra như không, giữa cái gọi là “Nhà nước pháp quyền” này.

Ở đó, người ta thấy rằng, có một hệ thống luật pháp nhưng được sử dụng với nhiều cách khác nhau, phụ thuộc đối tượng điều tra, mà không phụ thuộc bản chất tội phạm của bị cáo.

Ở đó, tòa được sử dụng để tuyên những bản án bỏ túi, những bản án nặng hay nhẹ, phụ thuộc thân thế, tiền bạc, khả năng… đặc biệt là thái độ “biết điều” của từng bị cáo ra sao.

Tác giả nhắc đến việc điều tra viên Hoàng Văn Hưng, với lý lẽ vững chắc làm cho tòa tối mặt không thể cãi, không thể đối chất, nhưng vẫn nhận án chung thân, chỉ vì “thái độ”. Và khi anh ta chịu thua, có nghĩa là, Tòa không còn bị bẽ mặt, thì Tòa tuyên lại 20 năm tù giam.

Tác giả tiếp tục đề cập đến việc công an bắt được 146 lượng vàng, 210.000 USD và hàng tỷ đồng, khi khám nhà cựu Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an Hà Nội.

Hài hước nhất, có lẽ, điều ai cũng thấy, đó là không chỉ hiện tượng đầu voi, đuôi chuột của vụ án, mà còn là câu hỏi không được trả lời: Việc bắt bớ, giam cầm, truy tố, xét xử… hết cả đống tiền dân ấy, nhằm mục đích gì?

Không có một bị hại nào được nêu tên, dù trước đó, con số hơn 200.000 công dân đã được thống kê qua hơn 2.000 chuyến bay “giải cứu”. Rồi số tiền cướp của dân, từ hơn 4.000 tỷ teo lại còn hơn 1.000 tỷ trong vụ “giải cứu” này.

Vẫn theo tác giả, điều khiến người dân hiểu rõ, là cả hệ thống đang ra sức để nã những đồng tiền từ bọn cướp ngày này. Nhưng hài hước là, họ coi chuyện tham nhũng là bình thường. Vì vậy, việc dẫm đạp lên luật pháp là điều ai cũng thấy.

Tội trạng ra sao, vi phạm thế nào… không quan trọng, miễn là có “thái độ tử tế với Tòa”.

Tác giả tiếp tục dẫn vụ Việt Á, với nụ cười có phần ngờ nghệch của Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Việt Á trước Tòa.

Trước Tòa, anh ta tuyên bố: “Nếu được quay lại từ đầu, bản thân vẫn làm như những gì đã làm… Nếu không sai phạm thì chắc chắn không thể nào đóng góp kịp thời cho chống dịch.”

Tác giả diễn giải lời của Phan Quốc Việt, theo đó, nếu không hối lộ, không lừa đảo, không cướp giật, thì chẳng có thể động tay động chân được gì, trong hệ thống chính trị này. Và nếu còn làm, thì sẽ còn sai, còn có tội.

Bởi không có tội, không hối lộ, không tham nhũng, không cướp bóc được, thì hệ thống này tê liệt.

Hoàng Anh – thoibao.de

1.1.2024