Tóm 2 ông Tổng vì “ăn đất”?

Ngày 16/1, RFA Tiếng Việt loan tin “Hai nguyên Tổng Biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế và Nguyễn Quang Thông bị bắt giam”.

RFA cho hay, ông Nguyễn Công Khế – nguyên Tổng Biên tập báo Thanh Niên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên; và ông Nguyễn Quang Thông – nguyên Tổng Biên tập báo Thanh Niên, vào ngày 16/1 đã bị khởi tố, bị bắt giam, bị khám xét nhà ở và nơi làm việc.

Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an thành phố Hồ Chí Minh thông báo các biện pháp vừa nêu trong cùng ngày, đối với hai ông Nguyễn Công Khế và Nguyễn Quang Thông.

Theo RFA, cả hai bị điều tra tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, trong quá trình triển khai, thực hiện Dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại khu đất số 151 – 155 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh.

Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã phê chuẩn các quyết định và lệnh tố tụng vừa nêu.

RFA dẫn các thông tin được đăng tải trên Cổng Thông tin Chính phủ và từ truyền thông nhà nước, theo đó, vào năm 2008, báo Thanh Niên có chủ trương mua khu đất của Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn (địa chỉ số 151 – 155 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4), để xây dựng trụ sở tòa soạn.

Ông Nguyễn Công Khế lúc đó là Tổng Biên tập báo Thanh Niên, đã ký Hợp đồng hợp tác giữa Công ty Cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên (báo Thanh Niên chiếm 51% vốn điều lệ) và Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ Vinpearl, thành lập Công ty Cổ phần Bất động sản Thanh Niên, để thực hiện Dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp, trên khu đất này. Báo Thanh Niên góp vốn là quyền sử dụng khu đất.

Tuy nhiên, sau đó hai bên đã thoả thuận chấm dứt hợp đồng, và khu đất được chuyển nhượng cho tư nhân, gây thất thoát tài sản nhà nước.

RFA cho biết thêm, ông Nguyễn Công Khế là nhà báo, đồng sáng lập báo Thanh Niên và đảm trách vai trò Tổng Biên tập từ năm 1988 đến năm 2008. Trước năm 1975, ông Khế hoạt động trong phong trào sinh viên, học sinh chống chính quyền Sài Gòn. Sau năm 1975, ông công tác tại Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh. Ông từng có thời làm tại báo Phụ Nữ Việt Nam trước khi sáng lập báo Thanh Niên.

Ông Nguyễn Quang Thông làm Tổng Biên tập báo Thanh Niên từ năm 2009 đến năm 2021.

Ông Nguyễn Công Khế là một người gây ra nhiều ý kiến, nhận xét trái chiều về con người ông.

Nhà thơ – nhà báo Đỗ Trung Quân từng cảm ơn sự “hào hiệp” của ông Nguyễn Công Khế dành cho nhiều người gặp khó trong môi trường xã hội – chính trị nhiều khi bất trắc sau năm 1975. Bởi ông đã cứu giúp cưu mang khá nhiều người từng làm việc cho chế độ Sài Gòn trước 1975.

Tuy nhiên, ông Khế cũng bị rất nhiều người chỉ trích, lên án, thậm chí là tấn công.

Hoạ sĩ Đỗ Duy Ngọc từng nhận xét:

Một anh từng là Tổng Biên tập tờ báo lớn, sau khi thu vén được hàng triệu đô la bèn đưa hết vợ con qua Mỹ, sắm nhà to, xe đẹp, còn anh thì qua lại hai nước, lâu lâu viết bài biểu diễn lòng yêu nước thương dân, trăn trở với tiền đồ tổ quốc, khóc than cho dân nghèo, kinh tế chậm lớn, Đảng lao đao…”

Ngày 19/11/2014, trong một cuộc phỏng vấn do phóng viên Mặc Lâm của đài RFA thực hiện, ông Khế đã chê trách lãnh đạo những tờ báo hiện nay “sợ “mất ghế” cho nên không dám dũng cảm để nói lên sự thật” mà “chỉ sa đà vào những chuyện vặt vãnh”.

Tuy nhiên, bản thân ông, trong 20 năm làm Tổng Biên tập báo Thanh Niên, cũng chưa bao giờ dám nêu những vấn đề như đa nguyên, đa đảng và phân quyền – phương thức khả thi giúp đất nước phát triển và thoát khỏi những vấn đề bế tắc hiện nay.

Minh Vũ – thoibao.de

16.1.2024