Theo trang Thông tin Chính phủ, trong năm 2023 đã thu hồi hơn 20.000 tỷ đồng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tăng gần 4.500 tỷ so với năm 2022. Đây là con số quá lớn đối với các quốc gia tiến bộ, nhưng sự thật, đây chỉ là số nhỏ so với những gì mà quan tham trong chế độ này thực ăn.
Lấy ví dụ vụ án chuyến bay giải cứu, ông Tô Ân Xô thông tin cho báo chí biết, có khoảng 2.000 chuyến bay, và mỗi chuyến bay, nhóm này thu lợi bất chính khoảng 2 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền mà nhóm chuyến bay giải cứu đã móc túi dân, là khoảng 4.000 tỷ đồng. Nhưng khi vụ án được truy tố và đưa ra xét xử, nhà nước đã thu lại của nhóm người này bao nhiêu tiền?
Số tiền mà các bị cáo cùng gia đình đã nộp để khắc phục hậu quả vào khoảng 135 tỷ đồng và 1,85 triệu USD, tương đương 180 tỷ đồng. Như vậy, số tiền mà nhà nước thu hồi được trong vụ án này chỉ chiếm 4,5%. Một con số vô cùng nhỏ.
Tương tự, vụ án Việt Á cũng thu về khoảng 4.000 tỷ đồng, từ việc ép người dân ngoáy mũi. Tuy nhiên, các bị cáo đã nộp khắc phục khoảng 2,75 triệu USD và hơn 107 tỷ đồng, tức tương đương 175 tỷ đồng, tức cũng gần 4,5% so với tổng thiệt hại mà nhóm Việt Á gây ra.
Đấy là những vụ án đã bị khui, còn rất nhiều vụ án khác vẫn chưa khui ra, thì xem như chẳng thu hồi được một đồng nào. Như vậy, con số thu hồi hơn 20.000 tỷ đồng từ các vụ án tham nhũng chỉ là con kiến, còn số tiền tham nhũng là con voi. Mà con voi này lại vô hình, không thể cân đo đong đếm được.
Vụ Việt Á và vụ chuyến bay giải cứu cho thấy, tỷ lệ thu hồi tiền tham nhũng so với tổng thiệt hại, là tương đương nhau. Vậy, câu hỏi đặt ra là, còn lại hơn 95% giá trị thiệt hại đã đi về đâu?
Thực chất, những vụ án tham nhũng bị khui ra, là cơ hội cho các cơ quan tố tụng làm án. Đằng sau những vụ điều tra là những trò ra giá, mặc cả, giữa những kẻ giữ quyền tố tụng và bị can. Các quan chức ngành công an, viện kiểm sát và tòa án, biết rất rõ, những kẻ đang nằm trong tay họ có rất nhiều tiền, và sẵn sàng chi để có những bản án nhẹ. Đó chính là cách để cả bị can và quan chức trong các cơ quan tố tụng, chia nhau số tiền mà quan tham đã chiếm đoạt.
Việc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ làm nửa vời. Lấy ví dụ như vụ Việt Á, điểm mấu chốt cần làm rõ trong vụ này, là ai sở hữu 80% cổ phần Việt Á. Tuy nhiên, đây lại là vùng cấm mà Bộ Công an không thể động vào. Điều này đồng nghĩa, số tiền mà nhóm nằm trong vùng cấm này chiếm đoạt, không thể thu hồi. Và đó cũng là một nguyên nhân, khiến số thiệt hại như “con voi”, nhưng số thu hồi lại như “con kiến”.
Thực ra, vụ Việt Á và vụ chuyến bay giải cứu là những vụ án lớn, thiệt hại thấy rõ. Tuy nhiên, mức thiệt hại mà cơ quan điều tra có thể chứng minh được, lại không thể nào bằng con số thiệt hại thật sự. Bởi những bị can khi bị bị bắt, họ sẽ không bao giờ chịu thừa nhận tội lỗi, chỉ khi nào cơ quan tố tụng chứng minh được, thì họ mới thừa nhận. Vậy nên, số tiền bị chiếm đoạt 4.000 tỷ ở mỗi vụ án trên, là con số tính được, còn mức độ thiệt hại thực sự chắc chắn lớn hơn con số này, nhưng lớn hơn bao nhiêu thì vẫn là ẩn số.
Chống tham nhũng mà lập ra vùng cấm là rất nguy hiểm. Bởi đấy là nơi quan chức có thể thi nhau chiếm đoạt mà không sợ bị bắt, không sợ bị thu hồi tiền tham nhũng. Từ đó, những kẻ tham nhũng sẽ biết nên chọn theo phe nào để được an toàn. Cũng từ đó, tham nhũng ngày một tinh vi hơn. Trên thực tế, tham nhũng năm sau cao hơn năm trước. Dù ông Trọng chống mạnh thế nào, đốt lò rực lửa thế nào, thì tham nhũng vẫn bùng mạnh hơn ngọn lửa trong lò của ông.
Trà My – Thoibao.de
5.2.2024