Quy mô và tầm mức của vụ án tham nhũng Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan, được đánh giá là một vụ lừa đảo lớn nhất từ trước đến nay.
Số tiền chiếm đoạt của bà Lan và đồng bọn lên tới hàng tỷ USD. Sau đó, bà Lan đem đi đầu tư, mua gom bất động sản trong nước và chuyển một phần không nhỏ ra nước ngoài.
Do vụ án quá lớn, số lượng bị can, cá nhân, tổ chức liên quan quá nhiều, nên Bộ Công an đã quyết định mở rộng và tiếp tục điều tra giai đoạn hai của vụ án này.
Mới nhất, truyền thông Hong Kong đưa tin, phanh phui thêm một vụ tẩu tán tài sản của gia đình bà Trương Mỹ Lan . Báo Minh Thiên Địa, một tờ báo chuyên về bất động sản châu Á cho biết, “gia đình của bà trùm bất động sản Việt Nam Trương Mỹ Lan hiện ngồi tù, đã bán một tòa nhà văn phòng hạng A ở trung tâm Hong Kong, cho một ông trùm công nghệ Đài Loan, với giá được báo cáo là 6.4 tỷ đô la Hong Kong, tương đương với 819 triệu USD.”
Theo báo Minh Thiên Địa, thương vụ vừa kể của vợ chồng ông Chu Lập Cơ và bà Trương Mỹ Lan, những người từng xây dựng loạt danh mục bất động sản ở Hong Kong, ước tính trị giá hơn 16 tỷ đô la Hong Kong. Sự việc này diễn ra chỉ hơn một tháng sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt.
Với các công ty được kiểm soát bởi những cá nhân, trong đó có con gái của vợ chồng Trương Mỹ Lan – Chu Lập Cơ, là cô Chu Duyệt Hằng. Được biết, tòa nhà vừa kể đã được bán với giá giảm khoảng từ 30% đến 35%, so với mức đỉnh điểm vào quý IV 2018.
Trên danh nghĩa một doanh nhân kinh doanh bất động sản, ông Chu Lập Cơ còn sở hữu một số bất động sản ở Hong Kong và Singapore. Báo Minh Thiên Địa tiết lộ, tháng 11/2023, Viva Land có trụ sở tại Singapore từng liên kết với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan, đã bán Khách sạn Telegraph ở Singapore với giá khoảng 170 triệu đô la Singapore, tương đương 133 triệu USD, chấp nhận khoản lỗ ước tính 70 triệu đô la Singapore. V.v…
Báo chí Hong Kong đánh giá, quy mô vụ tham nhũng của Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là “kinh khủng” – tương đương 3% GDP của Việt Nam. Công an Việt Nam đã bắt đầu theo dõi số tiền bất chính của Trương Mỹ Lan, vào thời điểm gia đình bà Trương Mỹ Lan hối hả tẩu tán tài sản, cả ở Việt Nam lẫn nước ngoài.
Kết luận điều tra của Bộ Công an cho biết, bà Trương Mỹ Lan đã thao túng, rút ruột Ngân hàng SCB, gây ra thiệt hại lớn chưa từng thấy. Cụ thể:
“Trong vòng hơn 10 năm, bà Lan và hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát của bà đã được SCB bơm gần 1 triệu 67 nghìn tỷ đồng, tức là khoảng 45 tỷ đô la, với số dư nợ còn lại là 677.000 tỉ đồng, tương đương 28 tỷ đô la, và đều là nợ “không thể thu hồi”. Ngoài ra, bằng cách lập các hồ sơ vay vốn khống, bà Lan đã chiếm đoạt của SCB trên 304.000 tỷ đồng, tức khoảng 12,5 tỷ đô la.”
Công luận nghi vấn và đặt câu hỏi, “Vì sao, và lỗ hổng nào, đã giúp bà Trương Mỹ Lan và đồng bọn hoành hành suốt một thời gian dài, kể cả chuyển một số lượng tiền bạc không nhỏ như vậy, mà không bị phát hiện?”, bất chấp những cảnh báo trước đó của truyền thông nhà nước và quốc tế.
Hồ sơ Panama, vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất trong lịch sử thế giới, tiết lộ cách thức những người giàu có và quyền lực chuyển tiền ra nước ngoài. Theo dữ liệu được công bố tháng 5/2016, từ Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), trong “Hồ sơ Panama” có tên Trương Mỹ Lan và Eric Chu Nap Kee, tức Chu Lập Cơ, chồng của bà Trương Mỹ Lan.
Đó là chưa kể đến các thủ đoạn trong việc mua bán tài sản, cổ phần của Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan, theo đúng cách thức của các băng đảng mafia để phục vụ cho việc rửa tiền. Tới mức, các giao dịch không cần làm giấy tờ hợp pháp. Tất cả chỉ bằng niềm tin và được ràng buộc bằng luật của thế giới ngầm.
Truyền thông nhà nước Việt Nam đã đưa ra những con số thiệt hại khủng khiếp, cả về mức độ và quy mô. Số tiền bà Trương Mỹ Lan và đồng bọn “rút ruột” từ Ngân hàng SCB là hơn 300.000 tỷ; gấp 3 lần tổng mức đầu tư sân bay Long Thành; hay gấp 7 lần vốn của 12 dự án cao tốc Bắc Nam.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng tháng 12/2023, đặt câu hỏi, vì sao nhà nước Việt Nam đã khởi tố và bắt giam bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm từ đầu tháng 10/2022 cho đến nay, mà vẫn chưa có các quan chức Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước bị xử lý kỷ luật? Và tại sao bộ máy An ninh Kinh tế và hệ thống tình báo của Việt Nam hơn12 năm không phát hiện ra sai phạm, để sớm xử lý?
Giới quan sát trong nước và quốc tế đã đưa ra các bình luận, bày tỏ sự e ngại và lo lắng cho năng lực quản trị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khi để thất thóat tới hơn một triệu tỷ đồng, là số tiền mà bà Trương Mỹ Lan lừa đảo trong vòng 10 năm qua.
Vậy, tại sao, trách nhiệm của các Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: ông Nguyễn Văn Bình; ông Lê Minh Hưng và bà Nguyễn Thị Hồng, đến bây giờ vẫn không được điều tra để làm rõ?./.
Trà My – Thoibao.de
7.2.2024