Người Việt trộm cắp tại Nhật và câu hỏi về visa thực tập sinh

Ngày 11/2, BBC Tiếng Việt có bài bình luận “Người Việt bị bắt ở Nhật Bản vì trộm đồ Uniqlo dấy lên câu hỏi về visa thực tập sinh”.

Bài báo đề cập đến vụ 4 người Việt Nam tại Nhật Bản đã bị bắt với cáo buộc dính dáng đến 67 vụ trộm cắp ở Tokyo và bảy tỉnh.

Cảnh sát tỉnh Fukuoka tin rằng, đường dây trộm cắp này do một người phụ nữ khoảng 40 tuổi đang sống ở Việt Nam cầm đầu, theo báo Asahi Shimbun dẫn một số nguồn tin vào ngày 7/2. Hiện đã có lệnh bắt giữ đối với người này, và đã được chuyển đến cho chính quyền Việt Nam.

BBC cho biết, các nguồn tin nói với Asahi rằng, 4 người này không quen biết nhau, nhưng tất cả đều có móc nối với một phụ nữ, đưa ra hướng dẫn chi tiết về kích cỡ và màu sắc mà họ nên lấy trộm. Còn 4 người này được đưa sang Nhật và ăn trộm nhiều đến mức, ngày nào họ cũng chất đồ đầy va li.

BBC dẫn báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, cho rằng, đường dây trộm cắp này gióng lên hồi chuông về sự gia tăng của nạn trộm cắp xuyên biên giới, do sức hấp dẫn của các mặt hàng chất lượng cao Nhật Bản. Vụ việc cũng làm dấy lên câu hỏi về chương trình thị thực thực tập sinh của Chính phủ, cũng như lo ngại về các khâu kiểm soát an ninh.

Việc các du học sinh hoặc người xuất khẩu lao động ở Nhật Bản “xách tay” các sản phẩm của Nhật để bán lại trong nước, không còn là điều xa lạ. Tuy nhiên, một số khác lại chọn con đường phi pháp là ăn cắp đồ để đem về Việt Nam bán, vì thu được nhiều tiền hơn.

Theo BBC, tuy Việt Nam đã có cửa hàng Uniqlo, nhưng nhiều người vẫn có tâm lý rằng, hàng ở bên Nhật có chất lượng cao hơn hàng được sản xuất và bày bán tại Việt Nam, dù cùng một thương hiệu. Chưa kể, quần áo Uniqlo ở Việt Nam có giá khá cao, đây có thể là một trong những lý do khiến Uniqlo ở Nhật bị nhắm tới.

Cảnh sát cho biết, nhóm này đã sử dụng một loại túi đặc biệt để đựng đồ ăn cắp, nhằm tránh kích hoạt chuông báo động.

BBC cho hay, những năm gần đây, một số người Việt Nam đã bị bắt vì tội trộm trái cây, và thậm chí cả gia súc, từ các trang trại ở những vùng xa xôi của Nhật Bản, rồi bán cho bạn bè và đồng hương.

Nhiều vụ trong số này xảy ra trong cộng đồng người Việt Nam đến Nhật Bản theo chương trình thực tập sinh nước ngoài của Chính phủ, chương trình vốn bị bị cáo buộc là một hình thức mở đường cho các công ty lao động giá rẻ, trong khi, có rất ít chương trình giáo dục cho thực tập sinh.

Bị thu hút bởi số tiền lớn hơn, một số đã bỏ vị trí thực tập sinh và hiện đang làm việc bất hợp pháp.

Vẫn theo BBC, hồi tháng 1, cảnh sát tỉnh Gifu ở miền trung Nhật Bản đã bắt giữ một nhóm 22 công dân Việt Nam, với cáo buộc trộm 191 ô tô từ 18 tỉnh. Băng nhóm này được cho là nhằm vào những chiếc xe sang, và những chiếc xe bị đánh cắp có giá trị ước tính khoảng 380 triệu yen (hơn 62 tỉ đồng Việt Nam).

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời ông Shinichi Ishizuka, người sáng lập tổ chức tư vấn Tương lai Tư pháp Hình sự, có trụ sở tại Tokyo, nói rằng, có thông tin nhiều người đi theo diện chương trình thực tập sinh của Chính phủ đang gặp khó khăn.

“Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi họ bị hấp dẫn bởi cơ hội kiếm được nhiều tiền một cách nhanh chóng, nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn những loại tội phạm có tổ chức này,” Ishizuka nói. “Các công ty cũng nên nhận thức rõ hơn về vấn đề này và đưa ra nhiều biện pháp đối phó hơn”.

Báo Asahi đưa tin, cảnh sát đã điều tra 2.081 vụ trộm cắp liên quan đến công dân Việt Nam, và bắt giữ 649 người vào năm 2021.

Năm 2022 có 1.927 vụ và 488 người Việt bị bắt.

 

Ý Nhi – thoibao.de

13.2.2024