Vụ án Vạn Thịnh Phát: “Mất bò mới lo làm chuồng” hay Tô Đại tìm triệt sân sau?
Truyền thông nhà nước loan tin về việc xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát, cho hay, bà Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm sẽ ra toà vào ngày 5/3.
Báo Tuổi Trẻ ngày 16/2 đưa tin “Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát từ 5/3, một số bị cáo vắng mặt”. Bản tin cho biết, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sẽ xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát từ ngày 5/3, và dự kiến kéo dài đến 29/4.
Bà Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm đã có hành vi sai phạm trong hoạt động tín dụng, thao túng Ngân hàng SCB để chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại hơn 400.000 tỷ đồng.
Theo đó, bà Trương Mỹ Lan bị truy tố các tội “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. 85 bị cáo còn lại là những lãnh đạo cấp cao của Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, và cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, bị truy tố về các tội danh: tham ô tài sản, đưa hối lộ, nhận hối lộ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…
Ngoài ra, 5 cựu lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng SCB đã bỏ trốn ra nước ngoài trước khi bị khởi tố, sẽ bị xét xử vắng mặt. 5 người này đang bị Bộ Công an truy nã.
Trước đó, ngày 13/12/2023, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ban hành cáo trạng, truy tố các bị can bị cáo trong vụ án này. Theo cơ quan tố tụng, từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập Đoàn Vạn Thịnh Phát – đã thâu tóm, nắm giữ từ 85% đến 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB, trở thành cổ đông lớn nhất, có quyền chỉ đạo, điều hành, thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB.
Tại thời điểm khởi tố vụ án, trên hệ thống sổ sách của Ngân hàng SCB đã thể hiện, ngân hàng này huy động của người dân và các tổ chức khác hơn 673 ngàn tỷ, trong đó, riêng tiền gửi của khách hàng là hơn 511 ngàn tỷ.
Thời điểm đó, tổng nguồn vốn của SCB theo sổ sách kế toán là 713 ngàn tỷ. Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định kiểm soát đặc biệt, thuê đơn vị kiểm toán độc lập để rà soát, đánh giá thực trạng tài chính của SCB. Kết quả kiểm toán độc lập xác định, Ngân hàng này âm vốn chủ sở hữu 443,7 ngàn tỷ, lỗ lũy kế 464,5 ngàn tỷ.
Được biết, sau khi có tin bà Trương Mỹ Lan và một loạt lãnh đạo của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị khởi tố và bắt giam, vào tháng 10/2022, nhiều người dân gửi tiền tiết kiệm và mua các sản phẩm từ Ngân hàng SCB đã xuống đường biểu tình, tập trung về các trụ sở của SCB ở nhiều tỉnh thành, để đòi tiền.
Mới nhất, tại Hội nghị giao ban trực tuyến của Bộ Công an, ngày 15/2, Bộ trưởng Công an Tô Lâm yêu cầu, đẩy nhanh điều tra các vụ đại án mà dư luận xã hội quan tâm, trong năm 2024. Đáng chú ý, ông Tô Lâm đã yêu cầu, đẩy nhanh điều tra mở rộng giai đoạn 2 đối với vụ án Vạn Thịnh Phát.
Vụ án Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB đã diễn ra trong một thời gian rất dài, và gây thất thoát một lượng tài sản vô cùng lớn. Theo giới chuyên gia, những sự cố nghiêm trọng như vụ SCB đáng lẽ rất khó xảy ra, nếu như được giám sát chặt chẽ. Đặc biệt là vấn đề sở hữu chéo để thao túng ngân hàng.
Quốc hội Việt Nam hôm 18/1 đã thông qua Luật Các tổ chức Tín dụng sửa đổi, giới hạn cổ phần do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trong các ngân hàng nội địa. Mục đích của Luật này được cho là nhằm giảm tình trạng sở hữu chéo, thao túng ngân hàng.
Theo đó, Luật mới sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 7/2024, quy định rõ, các cổ đông là tổ chức, như quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, sẽ chỉ được nắm giữ mức cao nhất không quá 10% cổ phần của ngân hàng, giảm hơn so với con số 15% được quy định trước đó.
Theo giới quan sát, Luật sửa đổi này được đưa ra sau khi một loạt các vụ gian lận tài chính trong ngành ngân hàng, bất động sản và thị trường chứng khoán, bị phanh phui hồi năm 2022, cùng với việc bắt giữ những trùm bất động sản và ngân hàng lớn, như bà Trương Mỹ Lan.
Giáo Sư Zachary Abuza trong bài viết “Đảng Cộng sản cũng “dọn nhà” trước Tết”, đã đánh giá, đây là một vụ án tham nhũng gây thiệt hại lớn chưa từng thấy, nếu vụ án này được điều tra hoàn toàn độc lập, tới nơi tới chốn, thì chắc chắn sẽ có nhiều quan chức cấp cao sẽ đứng trước vành móng ngựa.
Tác giả Zachary Abuza cho rằng, khi chiến dịch chống tham nhũng tiếp tục, mục tiêu đã chuyển sang các quan chức cấp thấp hơn và đối tác kinh doanh của các quan chức cấp cao, ví dụ điển hình nhất là đại án Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát, vụ lừa đảo và tham ô trị giá 12,3 tỷ USD./.
Trà My – Thoibao.de