Quảng Nổ bị đơn kiện bủa vây, cái kết cho lối kinh doanh lợi dụng lòng yêu nước!
Sau một thời gian phiêu lưu cùng sản phẩm Bphone đình đám, hồi đầu tháng 2 này, Công ty Cổ phần Điện tử BHS của ông Nguyễn Tử Quảng (biệt danh “Quảng nổ”) đã bị đưa lên mặt báo, theo cách mà ông Quảng không hề mong đợi. Báo chí cho biết, Công ty này giảm vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng xuống còn 1 tỷ đồng, và đang lùm xùm việc nợ lương công nhân.
Việc gì đến phải đến, nay Công ty BHS đang bị người lao động khởi kiện vì nợ lương triền miên. Số phận của Công ty điện tử sản xuất ra Bphone đình đám một thời, tới đây xem như kết thúc. Bây giờ, ông Quảng phải giải quyết vấn đề “hậu sự” cho Công ty.
Làm startup như ông Quảng, nhiều chuyên gia đánh giá và dự đoán sẽ không tồn tại lâu. Bởi ông chỉ làm ăn theo kiểu “chụp giật”, màu mè, ồn ào, đình đám… chứ không làm ra các sản phẩm chất lượng, đủ sức cạnh tranh. Tử huyệt của lối kinh doanh nhỏ lẻ ở Việt Nam, là chỉ muốn móc túi khách hàng bằng những lời quảng cáo sai sự thật, mà không quan tâm đến cảm xúc của khách hàng sau khi đã mua sản phẩm.
Sản xuất điện thoại thông minh là lĩnh vực cần nhiều chất xám, đồng thời, người chủ doanh nghiệp phải xác định mục tiêu của mình là đứng chung với những công ty toàn cầu. Cho nên, khi mở doanh nghiệp, đáng lẽ ông Quảng phải xác định một cách làm tử tế và bền vững.
Tuy nhiên, ông Quảng lại không làm như vậy, ông “nổ” rất to, rất kêu, về sản phẩm của ông. Thế hệ Bphone đời đầu, ông Quảng “nổ” rằng, Bphone của ông ưu việt hơn những hãng hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, sau khi bỏ ra ngàn đô (bằng giá Iphone) để sở hữu một chiếc Bphone, thì nhiều khách hàng xác nhận, họ đã bị lừa.
Không một công ty khởi nghiệp nào khởi đầu bằng số vốn khủng. Thường thì họ khởi nghiệp với số vốn rất khiêm tốn, rồi sau đó kêu gọi họ góp vốn từ các nhà đầu tư. Về phía các nhà đầu tư, họ sẽ lựa những doanh nghiệp nào có một kế hoạch phát triển tốt, có thể thuyết phục được họ rằng, startup sẽ thành công, thì nhà đầu tư sẽ rót vốn.
Có thể, ông Nguyễn Tử Quảng là một kỹ sư giỏi, bởi ông cũng đã sản xuất ra được điện thoại smartphone. Tuy nhiên, trong vai trò doanh nhân, thì năng lực của ông khá tệ. Khi ông Quảng cho ra thế hệ Bphone đầu tiên, và đặt sản phẩm này vào phân khúc ngang bằng với Iphone, thì xem như, ông “húc đầu vào đá”. Những nhà đầu tư lão luyện sẽ không chọn ông Quảng để đầu tư.
Nhiều chuyên gia kinh tế của chế độ này nói rằng, người Hàn Quốc chuộng SamSung, Hyundai, LG vì “lòng yêu nước”. Hay người Nhật chuộng Sony, Toyota, Honda cũng vì “lòng yêu nước”… Tuy nhiên, đấy chỉ là cách nhìn vào hiện tượng, chứ không phải phân tích sâu xa về bản chất.
Đúng là người Hàn thích dùng Samsung, Hyundai, LG thật, nhưng đó là những thứ mà cả thế giới cùng chấp nhận. Những nhà sản xuất này rất quan tâm đầu tư vào chất lượng. Họ đem đến sự hài lòng cho khách hàng, trước khi nói đến “lòng yêu nước”. Tương tự với người Nhật, nếu hàng Nhật kém chất lượng, thì thì liệu người Nhật có mua hay không?
Bphone không trực tiếp nói mua Bphone là yêu nước, cũng như, VinFast cũng không trực tiếp bảo mua VinFast là yêu nước. Tuy nhiên, khi những sản phẩm này ra đời, thì phong trào dùng “Bphone là yêu nước” hay “mua xe VinFast là yêu nước” cũng đồng thời xuất hiện. Ban đầu, các hãng trên nhờ “lòng yêu nước” đó mà khiến được tiền. Nhưng, một khi khách hàng không hài lòng với chất lượng sản phẩm, và có cảm giác bị lừa, thì họ không bao giờ trở lại mua sản phẩm thứ 2, thứ 3. Thậm chí, họ còn lan truyền tin xấu về sản phẩm, để người khác không tiếp tục bị lừa như họ.
Các thương hiệu của Hàn Quốc và Nhật Bản không nấp sau lưng “lòng yêu nước” để kinh doanh. Và đó là nguyên nhân họ ngày càng phát triển. Còn phải nấp sau “lòng yêu nước”, nghĩa là, sản phẩm đó kém chất lượng, không đứng vững được trên thương trường. Vì chỉ yếu thế nên mới phải dựa dẫm, chứ một khi đã mạnh, thì cần gì dựa vào ai. Đã dựa thì ắt sẽ bị ngã khi chỗ dựa biến mất.
BSH đi vào ngày cuối đời là điều tất yếu.
Trà My – Thoibao.de