Khi ngành tư pháp dung dưỡng cho hành vi “chạy án”

Đại án vỗ béo… chạy án!

Ngày 27/2, blog Trân Văn trên VOA Tiếng Việt có bài bình luận “Đại án vỗ béo… chạy án!”

Tác giả nhắc lại việc bản thân đã đề cập đến sự bất nhất của hệ thống pháp luật trong các bài viết trước đây. Khi mà các bị cáo cùng nhận tiền, quà, để bao che, bưng bít cho sai phạm như nhau, cùng tạo ra hậu quả như nhau, nhưng cả ngành công an, lẫn kiểm sát, lại nhận định, kết luận khác nhau về tội của mỗi viên chức đã phạm.

Tác giả nêu dẫn chứng, chỉ có bà Đỗ Thị Nhàn – Cục trưởng Cục Thanh tra Giám sát Ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước bị xem là “nhận hối lộ”, những người còn lại trong vụ án, chỉ bị xem là “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tác giả lưu ý, ngay cả ông Nguyễn Văn Hưng (Phó Chánh thanh tra của Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước) – nhân vật mà cả kết luận điều tra lẫn cáo trạng, cùng xác định “vì vụ lợi, động cơ, mục đích cá nhân, đã chỉ đạo” các lãnh đạo và thành viên của Đoàn Thanh tra Ngân hàng SCB làm sai chức trách. Cho dù ông Hưng thừa nhận, đã cầm 139.000 Mỹ kim của SCB, song ông Hưng cũng được xem là không “nhận hối lộ”, bất chấp vai trò “chủ mưu”, công an và kiểm sát chỉ xác định ông Hưng đã “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”!

Tác giả cho biết, có sự khác biệt rất lớn về hình phạt giữa 2 tội danh nêu trên. “Nhận hối lộ” như bà Nhàn sẽ đối diện với khung hình phạt từ “20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”, còn “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” như ông Hưng và các ông, bà khác, hình phạt chỉ dao động trong khoảng từ “10 năm đến 15 năm”.

Tác giả bình luận, khi các cơ quan tố tụng bất chấp các quy định trong luật hình sự, tùy tiện diễn giải, vận dụng các quy định này, thì đó chính là sự khuyến khích và dung dưỡng cho “chạy án”! Thực tế cho thấy, giá “chạy án” tỉ lệ thuận với quy mô và tính chất vụ án. Thiệt hại do hành vi phạm pháp gây ra càng cao, giá trị tài sản do phạm tội mà có càng lớn, thì chi phí “chạy án” sẽ thăng thiên!

Chính sự “linh hoạt” của các cơ quan tố tụng khi xem xét – xử lý trách nhiệm hình sự của các bị can, bị cáo, đã nuôi dưỡng niềm tin và hỗ trợ dịch vụ “chạy án” không ngừng phát triển.

Tác giả tiếp tục nêu dẫn chứng trong vụ Vạn Thịnh Phát, khi mà công an đã xác định được 25 cá nhân là viên chức có vai trò thừa hành, đã nhận tiền, quà của SCB trong khi thi hành công vụ, nhưng có 7 người bỗng nhiên được công an bỏ qua “không xem xét trách nhiệm hình sự”, bởi “không giữ chức vụ, vai trò thứ yếu, bị động, phụ thuộc theo ý kiến chỉ đạo, áp đặt của Trưởng đoàn trong quá trình thanh tra”?

Tác giả cho hay, trong 7 người vừa kể, có 3 người nhận 100 triệu đồng, 3 nhận 9.000 USD và 100 triệu đồng, 1 nhận 6.000 USD và 50 triệu đồng.

Tác giả thắc mắc, tại sao, 18 người còn lại cũng “không giữ chức vụ, vai trò thứ yếu, bị động, phụ thuộc theo ý kiến chỉ đạo, áp đặt của Trưởng đoàn trong quá trình thanh tra”, thậm chí, một số người nhận ít tiền, quà hơn (chỉ khoảng 6.000 Mỹ kim và 40 triệu đồng), mà vẫn phải hầu tòa vì bị xem là có tội?

Tác giả kết luận, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chưa bao giờ tự vấn: Các cơ quan tiến hành tố tụng tại Việt Nam đã bảo vệ và thực thi pháp luật như thế nào, mà “chạy án” trở thành vấn nạn, chi phí chạy án không những càng ngày càng cao, mức độ trắng trợn, tính chất càn rỡ còn hơn cả các đại án?

 

Minh Vũ – thoibao.de