Phiên tòa nhà báo Hàn Ni, nhận tội chưa hẳn vì có tội
Ngày 2/3, BBC Tiếng Việt đăng bài bình luận của Luật sư Đặng Đình Mạnh, với tựa đề “Phiên tòa nhà báo Hàn Ni, nhận tội chưa hẳn vì có tội”.
Theo đó, ngày 1/3, Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã xử phạt 2 luật sư, Đặng Thị Hàn Ni 18 tháng tù giam, và Trần Văn Sỹ 24 tháng tù giam, liên quan đến vụ bà Nguyễn Phương Hằng.
Tác giả dẫn tường thuật từ truyền thông trong nước, tại phiên xét xử, cả hai đều nhận tội, và các luật sư của họ cũng bào chữa theo hướng có tội, đồng thời đề nghị tòa án xem xét cho họ chịu mức hình phạt tương đương với thời gian tạm giam, tức là 12 tháng.
Tác giả bình luận, là luật sư và biết là vi phạm pháp luật, thì tại sao họ vẫn làm, mà lại làm công khai trước hàng ngàn, hàng trăm ngàn người. Để rồi, họ phải trả giá đắt, không chỉ bằng nghề nghiệp của mình, mà còn là sức khỏe, thời gian, uy tín… vì bản án có tội và những năm tháng tù đày.
Tác giả nhận định, câu trả lời chỉ có một. Rằng, họ và cả tác giả, chưa bao giờ đánh giá những phát ngôn của họ là vi phạm pháp luật. Nếu có, chỉ là lỗi dân sự mà thôi.
Cơ sở để tác giả khẳng định điều đó là pháp luật, cả luật quốc nội lẫn công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Với luật quốc nội, Hiến pháp, tại Điều 25, quy định về quyền tự do ngôn luận của công dân.
Với công ước quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về các quyền Chính trị và Dân sự năm 1966, chính quyền Việt Nam đã ký kết tham gia công ước năm 1982, tại Điều 19 cũng quy định về quyền tự do ngôn luận.
Theo đó, các Điều luật 331 và 117 của Bộ luật Hình sự hiện hành, chế tài các phát ngôn của công dân, đều vi phạm Điều 25 Hiến pháp và Điều 19 Công ước Liên Hợp Quốc.
Thế nên, theo tác giả, Điều 331 và 117 đều vi hiến và bất hợp pháp. Tòa án không có quyền vận dụng điều luật vi hiến, bất hợp pháp để kết tội công dân.
Tác giả phân tích, dĩ nhiên, quyền tự do ngôn luận không phải là một quyền tuyệt đối. Ranh giới của nó chính là lợi ích của người, tổ chức khác bị xâm phạm.
Tham chiếu luật pháp của các quốc gia văn minh trên thế giới, thì sự xâm phạm ấy chỉ bị đánh giá là lỗi dân sự. Người bị xâm phạm có quyền khởi kiện vụ án dân sự, để yêu cầu bồi thường. Việt Nam là một quốc gia hiếm hoi xem việc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” như là một tội danh hình sự.
Tác giả nêu dẫn chứng trường hợp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, người từng rất nhiều lần sử dụng quyền khởi kiện dân sự đối với những người phỉ báng mình, để yêu cầu bồi thường danh dự.
Nếu ở Việt Nam, người phỉ báng tương tự đã phải chịu mức phạt hình sự trên mức 10 năm tù giam vì xúc phạm lãnh tụ, lãnh đạo.
Tác giả bình luận, trong các vụ án xét xử về tội danh theo Điều 331 hoặc Điều 117 Bộ luật Hình sự, đều phải áp dụng thủ tục giám định tư pháp về nhận thức, quan điểm, tư tưởng của nghi can.
Điều này cũng lại là một “đặc sản” riêng có trong luật pháp hình sự Việt Nam. Trên thế giới, thì nhận thức, quan điểm, tư tưởng đều là các ý niệm tự do. Chính quyền không phán xét, nên không có bất kỳ định chế tư pháp nào để giám định về chúng cả.
Tác giả đánh giá, là người trong nghề, 2 luật sư Đặng Thị Hàn Ni và Trần Văn Sỹ cùng các luật sư của họ rất hiểu điều đó, và dĩ nhiên, họ cố gắng đạt được lợi ích cao nhất trong vụ án, là hình phạt tù giam thấp nhất.
Vì vậy, giải pháp nhận tội, thậm chí, nhận tội thành khẩn, mới là cách thức duy nhất để đạt lợi ích đó, và cả hai luật sư đã chọn giải pháp nhận tội.
Tác giả so sánh, vụ án này cũng cho thấy sự khác biệt lớn, nếu so sánh giữa những người lên tiếng vì mục đích tranh đấu, phản biện làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Một khi họ tự đánh giá rằng, mình thực hiện quyền tự do ngôn luận do Hiến pháp công nhận, thì hầu như không ai trong số họ nhận tội khi bị xét xử.
Thế nên, hình phạt của họ bao giờ cũng nặng nề hơn rất nhiều lần, tuy rằng xét xử với cùng tội danh.
Tác giả kết luận, điều này cho thấy, sự nhận tội của cả 2 luật sư Đặng Thị Hàn Ni và Trần Văn Sỹ, không phải vì họ có tội, mà chỉ là một sự tính toán thiệt hơn mà thôi.
Đánh giá về vụ án, công chúng nên giữ góc nhìn khách quan như vậy.
Minh Vũ – thoibao.de