Vụ Vạn Thịnh Phát: Liệu phút cuối Đỗ Thị Nhàn có bùng tiếp?
Liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã gây thiệt hại số tiền lên tới 606.460 tỷ đồng.
Truyền thông nhà nước đưa tin và khẳng định, trước khi Ngân hàng SCB xảy ra sự cố, đã có đến 70 lượt đề xuất thanh tra Ngân hàng này và đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, nhưng không được lãnh đạo cấp trên chấp thuận.
Báo Tuổi Trẻ ngày 11/3 giật tít, “Vụ Vạn Thịnh Phát: Bà Đỗ Thị Nhàn nói nhận tiền để… gia đình được an toàn?”. Bản tin cho biết, bị cáo Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng Nhà nước, nói về lý do thu hẹp phạm vi thanh tra Ngân hàng SCB là, “do Trưởng đoàn Thanh tra xin điều chỉnh kế hoạch, vì lý do thời gian thanh tra còn ít, bị cáo nghĩ rằng, như vậy là bình thường”.
Vẫn theo báo Tuổi Trẻ, sau đó, Viện Kiểm sát tiếp tục thẩm vấn bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Trưởng đoàn Thanh tra, về vai trò của bà Trương Mỹ Lan trong hoạt động của Ngân hàng SCB. Theo bị cáo Nhàn, khi ở Đoàn thanh tra, bà chỉ biết rằng, bà Lan là chủ đầu tư của SCB. Sau này làm việc với cơ quan điều tra, thì mới biết, vai trò của bà Lan là rất lớn.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn khai: “việc bị cáo nhận tiền của Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, là hoàn toàn thụ động, vì bị cáo không có sự bàn bạc với bất cứ một ai ở SCB”.
Đáng chú ý, bị cáo Nhàn khẳng định, đứng trước sự lựa chọn giữa an toàn cho bản thân và gia đình, với việc tạm thời vi phạm pháp luật, thì bị cáo chấp nhận nhận tiền để được an toàn cho gia đình.
Sau truy vấn của Hội đồng Xét xử, bị cáo Nhàn thừa nhận, đã nhận tiền 4 lần, với tổng số tiền là 5,2 triệu USD.
Tuổi Trẻ cho hay, bị cáo Nhàn cũng đặt ngược câu hỏi: “Hành vi như nhau, sao mỗi bị cáo bị truy tố tội nhận hối lộ?”
Hội đồng Xét xử giải thích: “Tất nhiên, nhận tiền đều là lợi ích vật chất, nhưng bị cáo nhận 5,2 triệu USD, khác với người nhận 100 triệu đồng”.
Trên mạng xã hội, đa số các ý kiến cho rằng, lập luận của Hội đồng Xét xử là hoàn toàn không thuyết phục, vì đã tham nhũng – tức ăn cắp tiền bạc, thì một xu cũng là phạm tội, không được phép tha bổng?
Tuy nhiên, việc Hội đồng Xét xử có ý kiến như vừa kể, theo giới phân tích, hoàn toàn phù hợp với chủ trương “nhân văn” của Tổng Trọng. Bởi ông Trọng cho rằng, “Cán bộ nào đã có sai phạm, rồi tự giác xin thôi, tự giác xin nộp lại tiền, thì mình “miễn xử hoặc xử nhẹ”. Không phải cứ xử nặng mới là tốt, cách chức hết tất cả mới là tốt…”
Chủ trương này đã được Bộ Chính trị và Ban Bí thư Đảng nghị quyết hóa, theo yêu cầu của Tổng Bí thư, thể hiện rõ ràng tại Thông báo số 20/BBT-TW, ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị.
Và đó cũng là lý do, vì sao, Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên, ngày 22/11/2023 đã khẳng định, “Nhận hối lộ trong vụ Vạn Thịnh Phát, nhưng không vụ lợi, sẽ được miễn trách nhiệm hình sự”.
Những điều vừa kể đã khiến công luận hết sức bất bình, và đặt câu hỏi: “Tại sao, Đảng Cộng sản Việt nam lại đưa ra một chủ trương được cho là hết sức “quái đản” như vậy?”
Theo kết luận điều tra của C03 Bộ Công an, bà Đỗ Thị Nhàn – cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng II – Ngân hàng Nhà nước, đã nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn, lên đến 5,2 triệu USD (tương đương hơn 118 tỷ đồng). Đổi lại, bà Nhàn đã bao che, bưng bít cho các sai phạm của bà Trương Mỹ Lan và Ngân hàng SCB, trong việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.
Diễn biến tại phiên toà, có nhiều biểu hiện cho thấy, Tòa sẽ tha bổng cho 17/18 bị cáo là thành viên của Đoàn thanh tra. Việc các bị cáo này đều đã nhận hối lộ từ Ngân hàng SCB, nhưng không bị xử lý hình sự, mà chỉ bị đề nghị xử lý về mặt Đảng và chính quyền, là điều mà công luận cũng như bị cáo Đỗ Thị Nhàn không thể chấp nhận được.
Công luận thấy rằng, vì sao cả một “bầy sâu” trong hệ thống quản lý giám sát ngân hàng, từ những người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, đến các thành viên Đoàn thanh tra, đều không bị xử lý hình sự?
Việc bị cáo Đỗ Thị Nhàn đặt câu hỏi trước tòa, “Hành vi như nhau, sao mỗi bị cáo bị truy tố tội nhận hối lộ?”, thì toà và những người liên quan cần phải coi chừng.
Rất có thể, vì uất ức, bà Nhàn sẽ “nổi điên” và tung hê hết, khai ra, số tiền 5,2 triệu USD mà bà nhận, đã đưa cho những sếp cấp cao nào trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.
Chúng ta hãy chờ xem, “quả bom nổ chậm” mang tên Đỗ Thị Nhàn có phát nổ vào những ngày tới hay không. Biết đâu, lúc đó mới là sự khởi đầu của đại án mang tên Vạn Thịnh Phát?
Trà My – Thoibao.de