Bốn ngân hàng nước ngoài phản đối bà Trương Mỹ Lan bán tài sản, vì đang thế chấp

Ngày 29/3, RFA Tiếng Việt loan tin “Ngân hàng nước ngoài phản đối bà Trương Mỹ Lan bán tòa nhà Capital Place ở Hà Nội để trả tiền đền bù”.

Theo đó, 4 ngân hàng nước ngoài hôm 28/3 dự phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan, đã lên tiếng phản đối việc bán tòa nhà Capital Place ở Hà Nội để trả tiền đền bù.

RFA cho biết, bà Lan đang phải hầu tòa với cáo buộc 3 tội danh, “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng” và “Tham ô tài sản”. Số tiền mà bà Lan bị cáo buộc đã biển thủ lên đến hơn 12 tỷ đô la.

Để khắc phục thiệt hại, bà Lan cho biết, đã rao bán tòa nhà Capital Place ở Hà Nội với giá một tỷ đô la.

Theo RFA, hiện tòa nhà này đang được thế chấp để bảo đảm cho khoản vay 200 triệu USD, tại 4 ngân hàng nước ngoài. Chủ sở hữu đã ủy quyền cho bà Chu Duyệt Phấn (con bà Trương Mỹ Lan) rao bán.

Đại diện 4 ngân hàng, bao gồm Ngân hàng HSBC (Tập đoàn Ngân hàng Hong Kong và Thượng Hải), Ngân hàng OCBC Bank Singapore, cho biết, họ không đồng tình với việc rao bán tòa nhà để khắc phục hậu quả, vì toà nhà đang là tài sản thế chấp cho khoản vay khoảng 200 triệu đô la, vẫn chưa được tất toán hoàn toàn. Thời hạn đáo hạn trả nợ là ngày 30/4/2024.

Vẫn theo RFA, đại diện Ngân hàng HSBC và Ngân hàng OCBC Bank Singapore đề nghị, cho phép 2 ngân hàng được ưu tiên giải quyết khoản nợ bao gồm tiền gốc lẫn lãi. Sau khi giải quyết xong các khoản vay, phía ngân hàng sẽ giao nộp lại số tiền dư theo quy định pháp luật, để khắc phục hậu quả vụ án.

Trước đó một tuần, ngày 21/3, RFA cho hay, bà Trương Mỹ Lan xin nộp 1.650 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thay chồng là ông Chu Lập Cơ, và cháu gái là Trương Huệ Vân.

Tổng số tiền bồi thường trên được bà Lan cho biết, gồm 1.300 tỷ đồng (tiền mặt và tài sản đang bị phong tỏa) do ông Nguyễn Cao Trí bồi thường, và hơn 300 tỷ đồng do một cá nhân trả cho bà.

RFA cũng cho biết, bà Lan hy vọng được Hội đồng Xét xử tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài gặp bà và giúp đỡ. Đồng thời bà cho rằng, việc SCB “đổ bể” là do bà bị bắt, cũng như không thừa nhận việc chiếm đoạt tiền của SCB.

Trước nữa, ngày 19/3, RFA loan tin “Viện Kiểm sát đề nghị tử hình bà Trương Mỹ Lan do không ăn năn, chối tội”.

Theo đó, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày 19/3, đã đề nghị Hội đồng Xét xử tuyên bà Trương Mỹ Lan mức án tử hình.

RFA dẫn truyền thông nhà nước, loan tin nêu rõ, Viện Kiểm sát đề nghị tử hình bà Trương Mỹ Lan, do tổng hợp các mức án từ 3 tội danh: Tham ô tài sản; vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; và đưa hối lộ.

Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bà Lan không hề ăn năn, khai báo quanh co, không thừa nhận phạm tội, đổ lỗi cho nhân viên dưới quyền và các bị cáo khác ở Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, sau đó, bà Lan đã phản bác điều này.

RFA cho biết thêm, chồng bà Trương Mỹ Lan – ông Chu Lập Cơ – bị đề nghị từ 11 – 12 năm tù, về tội “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Cựu Cục trưởng Cục Thanh tra Giám sát Ngân hàng II Đỗ Thị Thanh Nhàn bị đề nghị mức án chung thân.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Văn Lang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Capella – ông Nguyễn Cao Trí, bị đề nghị từ 10 – 11 năm tù về tội “lạm dụng chiếm đoạt tài sản”.

Cháu gái bà Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân- Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor, bị đề nghị mức án từ 19 – 20 năm tù về tội “tham ô tài sản”.

 

Quang Minh – thoibao.de