Lật lại hồ sơ vụ Hồ Duy Hải: Lê Minh Trí sẽ hạ “đo ván” Bình Tòa ra sao?

Kể từ tháng 5/2020, sau phiên Giám đốc thẩm, vụ án Hồ Duy Hải đã kết thúc với một dấu ấn để lại – đó là phát biểu “xanh rờn” của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Ông Bình thừa nhận rằng,  quá trình điều tra vụ án còn có những sai sót, nhưng ông vẫn khẳng định, điều đó “không thay đổi bản chất vụ án”. Kết quả Giám đốc thẩm, Toà vẫn tuyên y án tử hình đối với Hồ Duy Hải. Và vụ án đã khép lại với oan khiên ngất trời của một “tử tù oan” – người đã bị nhốt trong chốn lao tù đến nay đã 16 năm.

Báo Công An Nhân Dân ngày 28/3 đưa tin, “Bắt tạm giam đối tượng đăng tải nội dung xuyên tạc vụ án Hồ Duy Hải”. Bản tin cho biết, ngày 28/3, Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Đức Dự, 48 tuổi, và khởi tố bị can Hoàng Quốc Việt, 46 tuổi. Cả 2 bị can đều cư trú tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Theo cáo buộc, ông Dự và ông Việt bị quy chụp là đăng tải trên trang cá nhân nhiều bài viết xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ, về quá trình điều tra, xét xử vụ án Hồ Duy Hải.

Công luận thấy rằng, vụ bắt giữ kể trên xảy ra trong bối cảnh vụ án Hồ Duy Hải đã “rơi vào ngõ cụt”, không lối thoát; đồng thời, chính trường Việt Nam lại hết sức rối ren. Có nhiều ý kiến lo ngại cho tương lai chính trị của Chánh án Nguyễn Hòa Bình.

Sau phiên Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, công luận đánh giá rằng, phán quyết của Chánh án Bình càng khẳng định rõ hơn, về nền tư pháp “mù loà” của Việt Nam.

Nhà báo Huy Đức nhận xét trên Facebook rằng, “Công lý và số phận của Hồ Duy Hải có phải đã là ưu tiên quan trọng nhất? “Y án” không đơn giản chỉ để giải cứu uy tín chính trị của Chánh án Nguyễn Hòa Bình”.

Trước đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao Lê Minh Trí đã chỉ ra hàng loạt sai sót, mâu thuẫn, trong quá trình điều tra, tố tụng, và kháng nghị hủy bản án để tiến hành điều tra lại.

Đáng chú ý, việc Chánh án Bình làm Chủ tọa phiên tòa Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, đã được sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế. Bởi đây là lần đầu tiên, một Chánh án Tòa án Tối cao trực tiếp làm Chủ tọa một phiên tòa.

Trước, trong và sau phiên Giám đốc thẩm, công luận và giới chuyên gia khẳng định, trong quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và Giám đốc thẩm, vụ án Hồ Duy Hải đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật về tố tụng hình sự.

Đặc biệt là vai trò “3 trong 1” của Nguyễn Hòa Bình trong vụ án này. Theo đó, ông Bình từng là Thiếu tướng, Tổng Cục phó Tổng cục Cảnh sát, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, trong quá trình điều tra vụ án. Sau đó, ông trở thành Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao và đã ban hành quyết định không kháng nghị vụ án. Rồi khi trở thành Chánh án, ông lại làm Chủ tọa tại phiên Giám đốc thẩm, là người tuyên bác kháng nghị, giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Như vậy, ông Bình với 3 vai trò – điều tra, công tố, thẩm phán, chắc chắn không thể đưa ra phát quyết công tâm và vô tư.

Mới đây, xuất hiện những đồn đoán về sự thay đổi lãnh đạo cấp cao của các cơ quan tư pháp. Theo đó, khả năng cao, ông Lê Minh Trí sẽ ngồi ghế Trưởng ban Nội chính Trung ương. Như vậy, số phận chính trị của ông Nguyễn Hoà Bình có thể gặp vấn đề.

Bởi, theo thông tin rò rỉ từ “cung đình” cho hay, trước khi kháng nghị Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, ông Lê Minh Trí đã báo cáo, xin ý kiến Tổng Trọng và đã được đồng thuận. Vì vậy, nay ông Trí chủ động “thượng đài”, để ép ông Bình vào một cuộc “so găng đỉnh cao”. Cuộc so găng này sẽ không có người thắng, nhưng kẻ thua cuối cùng, chính là Chánh án Nguyễn Hoà Bình.

Giới phân tích đánh giá, Chánh án Bình là một nhân vật thân cận của Tổng Trọng. Bộ Công an đang sử dụng đại án Phúc Sơn để lật tung “thánh địa” Quảng Ngãi – nơi mà Nguyễn Hòa Bình từng một thời trấn nhậm và thăng tiến.

Do đó, việc làm sai lệch hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải, có thể là điều có ý nghĩa chính trị rất lớn. Nhất là vào lúc này, uy tín của Đảng nói chung và của các lãnh đạo cấp cao, đã xuống nhanh tới mức chưa từng có từ trước cho đến nay.

Quan hệ giữa Tô Lâm và Nguyễn Hòa Bình lâu nay vẫn được đánh giá là “hòa hợp”. Nhưng, với quyết tâm “soán ngôi, đoạt vị”, thì đồng minh Tô Lâm cũng sẽ thẳng tay với Bình Tòa.

Mới đây, Báo Công An Nhân Dân lần nữa đề cập tới vụ án Hồ Duy Hải, chắc chắn không phải là sự tình cờ. Mà có khả năng cao là, việc này mở đường cho việc, sẽ “khởi tố vụ án làm sai lệch hồ sơ vụ án, xâm hại hoạt động tư pháp”, liên quan tới Chánh án Nguyễn Hòa Bình./.

 

Trà My – Thoibao.de