Vì sao 42.000 nạn nhân đích thực trong vụ án Vạn Thịnh Phát không được đền bù?

Ngày 12/4, RFA Tiếng Việt bình luận “Tử hình Trương Mỹ Lan có giải quyết được tiền đền bù cho 42.000 người bị hại?”

RFA cho hay, hôm 11/4, Tòa án thành phố Hồ Chí Minh tuyên án tử hình bà Trương Mỹ Lan, với cáo buộc tội tham ô tài sản.

RFA dẫn lời Luật sư Đặng Đình Mạnh chỉ ra rằng, Nhà nước nói về thiệt hại mà SCB/ bà Lan gây ra, nhưng không nói gì đến việc ai sẽ đền bù cho các khách hàng gửi tiền cho SCB.

Ông Mạnh phân tích rằng, thực tế, SCB chỉ là trung gian, nguồn tiền mà bà Lan biển thủ là tài sản thuộc sở hữu của hơn 42 nghìn khách hàng gửi tiền vào ngân hàng SCB. Vì thế, 42 nghìn khách hàng này mới là nạn nhân đích thực của vụ án. Tuy nhiên, không một ai trong số 42 nghìn nạn nhân được triệu tập đến tòa với tư cách bị hại, là một điều phi lý.

RFA cũng dẫn quan điểm của Giáo sư Vũ Tường, Trưởng khoa Chính trị học, Đại học Oregon, cho rằng, khi SCB chưa bị giải thể thì có nghĩa là, Chính phủ Việt Nam vẫn hy vọng cứu được nó.

Theo Giáo sư Vũ Tường, về mặt luật pháp, nếu SCB vẫn cho khách hàng rút tiền thoải mái thì chưa thể nói là khách hàng bị thiệt hại. Nếu SCB không còn tiền để chi trả cho người gửi tiền, thì lúc đó, SCB phải tuyên bố phá sản hay Chính phủ phải giải thể hoặc đóng cửa SCB. Nếu ở nước khác, có lẽ, người gửi tiền đã làm việc này từ lâu. Tuy nhiên, không rõ ở Việt Nam họ có bị đe dọa nếu tìm cách làm việc này hay không.

RFA nhận xét, hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với hơn một ngàn công ty, mà như cáo trạng – phần lớn là để rút tiền từ SCB, cho thấy, vấn nạn sở hữu chéo ở Việt Nam: Một người vừa sở hữu ngân hàng, vừa sở hữu nhiều doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực khác, có thể lấy tiền từ tay này (ngân hàng) cho tay kia (các công ty khác của mình) vay.

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, trong phiên tòa, bà Lan khai về sự nhờ vả của các quan chức cao cấp thuộc Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước. Điều này có thể là sự thật. Tuy nhiên, bà Lan không thể chứng minh những lời khai của mình bằng chứng cứ có thể kiểm chứng được. Cho nên, những lời khai ấy không giúp gì cho bà trong việc đánh giá nguyên nhân phạm tội, cũng như lượng định hình phạt.

Theo luật sư Mạnh, đây là vụ án lớn “nhưng lại không có bất kỳ quan chức nào thuộc Bộ Tài chính hoặc Ngân hàng Nhà nước, vốn có chức năng quản lý Nhà nước, đứng ra chịu trách nhiệm pháp lý, là điều hết sức vô lý.”

Nhận xét về nạn sở hữu chéo, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, đây là vấn đề nan giải:

“Với tình hình chính trị trong nước hiện tại, việc duy trì chế độ độc tài, không có sự kiểm soát, kiềm chế quyền lực quốc gia, sẽ tiếp tục làm môi trường sản sinh nạn tham nhũng ngày một trầm trọng hơn. Cho nên, sau vụ án này thì những phiên bản Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan, SCB… sẽ lại tái sinh với những tên gọi khác. Do đó, tôi không thấy có bất kỳ giải pháp nào khả dĩ khắc phục, ngăn chặn chúng, nếu Việt Nam vẫn còn tồn tại chế độ độc tài.”

Giáo sư Vũ Tường thì cho rằng, vụ án Vạn Thịnh Phát cho thấy, khu vực tài chính của Việt Nam rất bấp bênh, và điều này thì không có gì mới. Những nhà đầu tư dám vào Việt Nam thường phải chấp nhận mức rủi ro rất cao.

Theo Giáo sư Tường, ảnh hưởng chính trị của vụ án này là suy giảm niềm tin vào Đảng Cộng sản và chính quyền.

Giáo sư Vũ Tường chỉ ra rằng, doanh nghiệp nước ngoài gần đây đã có dấu hiệu lo lắng về việc trấn áp doanh nhân, nếu các phe phái trong Đảng tiếp tục thanh trừng lẫn nhau như trong vụ này. Ông đặt ra giả định về phản ứng của giới doanh nhân trong nước là, “nếu tôi là một trong các vị doanh nhân chưa bị bắt, tôi sẽ liệu tìm cách đem vốn liếng ra nước ngoài càng sớm càng tốt vì không biết bao giờ sẽ đến lượt mình.” 

 

Quang Minh – thoibao.de