Phiên tòa sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát đã khép lại sau hơn một tháng xét xử, vào chiều 11/4. Đây là một vụ án tham nhũng lớn nhất lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tổng cộng, vụ án này có đến 86 bị cáo, trong đó, Hội đồng Xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan án tử hình. Nhiều ý kiến cho rằng, bản án tử hình đối với bà Lan chỉ là một đòn gió. Các cơ quan tư pháp Việt Nam đang chơi chiêu “rung cây để dọa khỉ”, để tìm ra sự thật về số tiền hối lộ cho các quan chức cấp cao.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2017, bà Lan đã chỉ đạo lập hồ sơ khống để vay tiền.
Theo Hội đồng Xét xử, bị cáo Trương Mỹ Lan đã tham ô, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB hơn 304.000 tỉ đồng dư nợ gốc, và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB hơn 64.000 tỉ đồng.
Một vấn đề mà công luận Việt Nam vẫn đang hết sức quan tâm, đó là: “Vì sao và lỗ hổng nào đã giúp bà Trương Mỹ Lan và đồng bọn hoành hành thời gian dài như vậy, mà không bị phát hiện?”. Và chắc chắn, nếu được phát hiện sớm, thì số tiền hơn một triệu tỷ, trong đó có số tiền gửi, mua trái phiếu của khách hàng, lên tới 304.000 ngàn tỷ, sẽ không thất thoát toàn bộ.
Điều người ta ngạc nhiên là, sau hơn một năm, kể từ khi bà Lan bị khởi tố, bắt giam, cho đến nay, không có bất kỳ một quan chức cấp cao trong bộ máy Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước bị cách chức hay truy tố. Việc chỉ có bị cáo Đỗ Thị Nhàn – cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng II, thuộc Ngân hàng Nhà nước, phải nhận bản án chung thân về tội “nhận hối lộ”, là chưa thỏa đáng.
Dư luận cho rằng, các cơ quan tố tụng đã bỏ qua các sai phạm của hệ thống Ngân hàng Nhà nước và các Thống đốc. Đặc biệt là vai trò của cựu Thống đốc Lê Minh Hưng, người bị cho là đã góp phần vào các sai phạm kéo dài của bà Trương Mỹ Lan.
Ngoài ra, sự thiếu trách nhiệm của Tổng Kiểm toán Nhà nước, thì trách nhiệm của Bộ Tài chính cũng không thể bỏ qua. Nhà báo Đào Tuấn – báo Lao Động, mới đây đã đưa ra nhận xét trên trang Facebook cá nhân:
“Công ty Kiểm toán Ernst & Young; Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam; Công ty Kiểm toán KPMG – 3 cái tên thuộc nhóm Big4 trên thị trường. Và đây cũng là những cái tên thực hiện kiểm toán Báo cáo Tài chính và soát xét Ngân hàng SCB.
Khi khởi tố vụ án, sổ sách của SCB thể hiện tổng tiền 673.586 tỉ, vốn chủ sở hữu 21.036 tỉ. Tổng nguồn vốn 713.420 tỉ. Nhưng khi rà soát, đánh giá lại cho thấy, SCB âm vốn chủ sở hữu 443.769 tỉ; lỗ lũy kế 464.547 tỉ. Con số đó cho thấy, khác nhau một trời một vực vẫn là chưa hẳn đúng. Mà đó là sự đổi trắng thay đen.”
Dù rằng Hội đồng Xét xử đã đề cập tới kiến nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm, của các công ty kiểm toán liên quan đến SCB. Theo giới phân tích, đây là một sự gợi ý ác nghiệt đối với trách nhiệm của Tổng Kiểm toán Nhà nước và Bộ Tài chính – vốn là 2 tổ chức có mối quan hệ chặt chẽ với phe Nghệ Tĩnh và ông Vương Đình Huệ.
Theo đó, tới đây, Bộ Công an sẽ tiếp tục “đào bới”, và làm rõ việc, khi Kiểm toán Nhà nước và Bộ Tài chính đã không làm hết trách nhiệm, thì đó cũng là hành vi dung túng cho Vạn Thịnh Phát cũng như bà Trương Mỹ Lan.
Nhà báo Nguyễn Đình Ấm nhận xét:
“Vô hiệu hóa cả kiểm toán, thanh tra, công an. Tất cả các vụ lớn đều như vậy, vụ án AVG cũng là một ví dụ. Kiểm toán mà không khách quan thì nói gì là kiểm toán nữa, tồn tại để làm gì. Không biết nay thế nào, chứ hồi tôi còn làm báo, thì tất cả những đơn vị lớn đều có cảnh sát kinh tế (A17) nằm vùng, phát hiện sai phạm. Ngành hàng không khi đó (những năm 1990) có tới 2 nhân viên A17 giám sát. Thế nhưng chính họ lại bao che cho tham nhũng.”
Theo giới thạo tin, trong thời gian ông Huệ làm Tổng Kiểm toán Nhà nước, và sau đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính, có rất nhiều sai phạm tày đình liên quan đến hối lộ và tham nhũng, gấp vạn lần Võ Văn Thưởng. Dưới thời Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trước đây, do vô trách nhiệm, nên đã để tình trạng mua bán trái phép hóa đơn “trị giá gia tăng – VAT” diễn ra trong một thời gian dài, nhưng không bị xử lý. Hơn thế nữa, các vị trí “béo bở” vừa kể, liên tiếp do phe Nghệ An kiểm soát trong một thời gian rất dài.
Trong cuộc chạy đua vào ghế Tổng Bí thư Đại hội 14, ông Tô Lâm và phe cánh chắc chắn sẽ không bỏ qua những sai phạm này./.
Trà My – Thoibao.de