Tô Đại có tha cho Huệ Vương trong việc tiếp tay cho Thuận An trốn thuế?

Ngày 15/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ, xảy ra tại Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan.

Trước đó, nhiều nguồn thạo tin khẳng định, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An Group, một sân sau của phe Nghệ An, đã bị bắt giữ. Mới nhất, việc Tập đoàn Thuận An trốn thuế được công bố.

Báo Tuổi trẻ ngày 16/4 đưa tin, “Tập đoàn Thuận An “lớn nhanh” nhưng lợi nhuận nhiều năm ở mức… “buồn”’. Bản tin cho biết, dù trúng thầu nhiều dự án, nhưng tình hình kết quả kinh doanh của Thuận An không quá tích cực. Theo dữ liệu của Tuổi Trẻ, trong giai đoạn 2017 – 2019, doanh thu của Thuận An ở mức 250 – 300 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ ở mức vài trăm triệu đồng. Theo một số chuyên gia, lợi nhuận trên ở mức “đáng buồn”, không tương xứng với quy mô vốn.

Việc các doanh nghiệp sân sau của các quan chức cấp cao đột nhiên lớn nhanh như Thánh Gióng, nhưng đóng thuế ở mức hết sức khiêm tốn, là điều không có gì lạ. Tuy nhiên, tin tức về việc bắt giữ ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, đã gây xôn xao và chấn động dư luận. Vì trước đó đã lan truyền tin đồn:“Thuận An Group – Tập đoàn xứ Nghệ lớn nhanh như thổi. Trúng thầu nhiều dự án, giống Phúc Sơn đã bị sờ”.

Hơn nữa, vấn đề kiểm toán và quản lý nguồn thu ngân sách của Bộ Tài chính, lâu nay do phe Nghệ An kiểm soát và quản lý. Do đó, trách nhiệm của ông Vương Đình Huệ – cựu Tổng Kiểm toán Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài Chính, là không thể bỏ qua.

Liên quan đến việc bắt ông Nguyễn Duy Hưng, truyền thông nhà nước cho hay, từ một doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 3,9 tỷ đồng, trong 10 năm, Thuận An đã lớn nhanh như thổi, vốn điều lệ tăng gấp 200 lần. Tập đoàn này liên tục trúng thầu nhiều dự án lớn nhỏ khắp cả nước. Với doanh thu hàng trăm tỷ đồng, nhưng lợi nhuận của Thuận An thu về lại chỉ lẹt đẹt ở mức 100 triệu đồng.

Nhà báo Hà Phan, một phóng viên nội chính thạo tin cung đình, tiết lộ:

“Xét về quy mô, gói thầu và độ phủ thì Tập đoàn Thuận An của ông Hưng vừa bị các chú Công an bắt khủng hơn [Tập Đoàn] Phúc Sơn của Hậu “pháo” nhiều!

Thuận An trúng thầu từ Bắc vào Trung, vô Nam, trải dài khắp 11 tỉnh thành phố và 28 gói thầu không xác định địa điểm cụ thể! Tính sơ sơ, tổng giá trị của các gói trúng thầu là hơn 22,6 nghìn tỷ đồng. Trong số này, có hơn 8,2 nghìn tỷ đồng thuộc về các gói chỉ định thầu. Thật bất ngờ, tại thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn Thuận An đã trúng các gói thầu “khủng” hơn 3.584 tỷ đồng!”

Báo Hà Nội Mới cũng đề cập đến sự bất thường trong hoạt động kinh doanh của Tập Đoàn Thuận An, khi đưa ra nhận xét: Thuận An doanh thu trăm tỷ, lợi nhuận trăm triệu”.

Đó là những câu chuyện khó hiểu và đầy nghịch lý, đang tiềm ẩn nhiều dấu hiệu “bất an” xảy ra ở Tập đoàn Thuận An, do ông Nguyễn Duy Hưng làm Chủ tịch.

Dù thành lập từ 2004, nhưng phải đến năm 2019, Tập đoàn Thuận An mới bắt đầu có những dấu ấn trong ngành hạ tầng xây dựng. Từ sau quãng thời gian này, mỗi năm, Thuận An đều đặn ghi tên mình trong các liên danh trúng những gói thầu lớn với tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng.

Vẫn theo báo Hà Nội Mới, tổng giá trị của các gói trúng thầu của Thuận An là 22.612 tỉ đồng, trong số này, có hơn 8.272 tỉ đồng thuộc về các gói chỉ định thầu. Dữ liệu cũng cho thấy, tổng giá trị trúng thầu độc lập chỉ hơn 144 tỷ đồng, còn lại, đa phần Thuận An tham gia dưới hình thức liên danh.

Theo giới phân tích, mức lợi nhuận đã đề cập ở trên của Tập đoàn Thuận An là rất đáng nghi vấn. Tác giả Hà Phan đánh giá, “đáng ngạc nhiên hơn tới cuối 2021, Thuận An mới tăng vốn lên 800 tỷ đồng và cơ cấu cổ đông không thấy công bố! Ngỡ ngàng nhưng hổng bất ngờ nữa khi những con số này đến giờ mới được phơi ra”.

Dư luận xã hội nhắc lại, ông Nguyễn Xuân Phúc – trong vai trò Thủ tướng Chính phủ, đã từng đưa cảnh báo, “lãnh đạo có người không những có 1 sân trước mà 4, 5 sân sau, thậm chí 14 -15 sân sau”. Điều trớ trêu hơn, liên quan đến việc cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mất chức vào đầu năm 2023, theo giới thạo tin, trong cuộc họp Bộ Chính trị cuối năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là người đã nhiều lần nhắc nhở ông Bảy Phúc: “anh Phúc còn chờ gì nữa mà không chủ động xin từ chức”.

Xin nhắc lại, lâu nay, công luận cho rằng, ông Vương Đình Huệ trong thời gian giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính, cũng như Tổng Kiểm toán Nhà nước, có rất nhiều sai phạm khủng./.

 

Trà My – Thoibao.de