Bùi Văn Cường hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Thư ký Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Trước khi được Vương Đình Huệ kéo về Quốc hội, ông Cường có thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, từ 2019 đến 2021.
Ngày 16/4, nhiều tờ báo nhà nước cùng đưa tin, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu C03 đã có văn bản, yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cung cấp hồ sơ, tài liệu, liên quan đến gói thầu của Tập đoàn Thuận An tại tỉnh này.
Cụ thể, hồ sơ được Bộ Công an yêu cầu tỉnh Đắk Lắk cung cấp, là hồ sơ của gói thầu số 3, thi công dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột.
Hồ sơ yêu cầu cung cấp, bao gồm quá trình phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư, thiết kế thi công, dự toán xây dựng, hồ sơ mời thầu, quá trình đấu thầu, dự thầu, chấm thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu, quá trình triển khai dự án và gói thầu số 3.
Ngoài ra, C03 cũng đề nghị cung cấp hồ sơ về ký kết, thực hiện hợp đồng thi công xây dựng, tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí đầu tư xây dựng dự án và gói thầu số 3.
Được biết, gói thầu số 3 khởi công ngày 9/12/2021, do một liên danh thi công, gồm Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xây dựng An Nguyên – Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xây dựng và Thương mại Sài Gòn – Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn – Tập đoàn Thuận An.
Ông Bùi Văn Cường giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk, từ ngày 19/7/2019 đến ngày 7/5/2021. Tuy ông đã rời ghế Bí thư tỉnh này trước ngày khởi công dự án, nhưng giai đoạn mời thầu, đấu thầu, dự thầu, chấm thầu, và kết quả lựa chọn nhà thầu, đều diễn ra dưới thời ông Bùi làm Bí thư tỉnh. Cho nên, việc Bộ Công an yêu cầu chính quyền tỉnh cung cấp hồ sơ gói thầu, có liên quan đến Thuận An tại Đắk Lắk, được xem là nhắm vào ông Bùi Văn Cường – một trợ thủ đắc lực cho ông Vương Đình Huệ tại Quốc hội.
Gói thầu số 3 này, được cho là có sự cấu kết giữa ông Phạm Thái Hà – Trợ lý của ông Vương Đình Huệ, cùng với ông Bùi Văn Cường, để kéo vào tay Nguyễn Duy Hưng. Như vậy, rất có thể, việc soi kỹ dự án của Tập đoàn Thuận An tại Đắk Lắk, chính là cách Tô Lâm tìm đường, để dẫn đến “Trụ Vương” ở Hà Nội.
Được biết, ông Bùi Văn Cường từng bị tố “đạo văn”. Vào khoảng tháng 3/2020, một giáo viên thể dục trường Tiểu học Dân lập Nguyễn Khuyến, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, là Hoàng Minh Tuấn, đã gửi đơn tố cáo lên Ban Tổ chức Trung ương, cùng nhiều lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và Trung ương, cáo buộc ông Bùi Văn Cường đạo luận án Tiến sĩ.
Trước đó, tạp chí Môi trường và Xã hội đã đăng tải một bài viết của ông Phạm Đình Quý, cũng cáo buộc ông Cường “đạo luận án Tiến sĩ, gian dối học thuật để trèo cao, nhằm mục đích không trong sáng, gây bất bình trong nhân dân”. Sau đó, Tạp chí này đã bị Cục Báo chí thuộc Bộ Thông tin Truyền thông phạt 50 triệu đồng, và thu hồi giấy phép 2 tháng, vì nói “không đúng sự thật”.
Mỉa mai thay, Cục Báo chí mà lại có chức năng xem xét tính xác thực của một luận văn, xem có bị đạo nhái hay không, thì quả là “quyền lực” làm nên tất cả.
Để bịt miệng những người tố cáo, ông Cường đã cho Công an tỉnh Đắk Lắk bắt cả 2 người tố cáo nói trên. Đặc biệt, ông Cường còn cho Công an Đắk Lắk xuống tận Sài Gòn bắt người, mang về Buôn Ma Thuột.
Ngày 17/1/2022, Tòa án Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã mở phiên tòa sơ thẩm đối với ông Hoàng Minh Tuấn và ông Phạm Đình Quý. Cả 2 lần lượt nhận mức án 2 năm 6 tháng tù, và 9 tháng tù, vì tội “vu khống”, mặc dù không có bất kỳ hội đồng khoa học nào xem xét luận văn của ông Cường, xem có phải là đạo nhái hay không. Tòa án ở Việt Nam chỉ xử án theo mệnh lệnh.
Hoàng Phúc – Thoibao.de