Luật An ninh mạng ngày càng bị lạm dụng

Ngày 20/4, RFA Tiếng Việt loan tin “Luật sư của bà Trương Mỹ Lan đề nghị xử lý người tạo clip về kho báu ngoài biển theo Luật An ninh mạng”.

Theo đó, Luật sư của tỷ phú Trương Mỹ Lan – cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – đề nghị công an và các cơ quan liên quan, xử lý những người tạo video clip về “ra khơi tìm kho báu” của bà Lan theo Luật An ninh mạng, vì cho rằng, đây là clip xuyên tạc, xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của bà Lan.

Bà Lan (68 tuổi), hôm 11/4 đã bị Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên án tử hình, với cáo buộc tội tham ô tài sản ở Ngân hàng SCB, thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

RFA cho biết, sau phiên toà, trên mạng xã hội ở Việt Nam xuất hiện một đoạn video clip, ghi lại cảnh bà Lan trả lời Hội đồng Xét xử về nơi giấu khoản tiền 673.000 tỷ, rằng, “tiền đang ở ngoài biển”.

Theo RFA, Luật sư Giang Hồng Thanh – người bào chữa cho bà Lan, nói với truyền thông trong nước hôm 20/4 rằng, thông tin đưa ra trong video clip là không đúng sự thật.

Ông Thanh cho báo chí biết, ông đã có đơn đề nghị xử lý những người có hành vi xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm bà Trương Mỹ Lan.

Ông viện dẫn Điều 8 và Điều 16 Luật An ninh mạng, và cho rằng, hành vi của người tạo dựng clip “ra khơi tìm kho báu” với nhiều nội dung xuyên tạc, đã vi phạm quy định pháp luật, cần xử lý nghiêm.

Vẫn theo RFA, Luật An ninh mạng của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019, và bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích là được dùng để bịt miệng những người muốn lên tiếng chỉ trích các vấn đề trong nước một cách ôn hoà, bóp nghẹt tự do internet ở Việt Nam.

Là một luật sư mà muốn sử dụng Luật An ninh mạng để trừng phạt người khác, thì quả thật, năng lực nhận thức của vị luật sư này về nhân quyền là có vấn đề.

Báo VietnamNet ngày 21/4 nhận xét, “Clip “tìm kho báu” ghép lời bà Trương Mỹ Lan: Từ hài hước đến phạm pháp”.

VietNamNet dẫn nhận xét của Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, clip lồng ghép lời thoại, khẩu hình của bà Lan là một clip hài, có tính chất giải trí; nội dung có sự lồng ghép, dàn dựng lời nói của bị cáo và chủ tọa phiên tòa, có tính chất gây cười, hài hước…

Theo ông Đặng Văn Cường, khi nhận được văn bản kiến nghị của luật sư, cơ quan chức năng sẽ xác minh thông tin để làm rõ clip này, đánh giá hậu quả có thể gây ra đối với gia đình bị cáo và xã hội, để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy clip là dàn dựng, không đúng sự thật, nhưng mang tính chất tấu hài, người làm clip này chỉ mang tính chất giải trí mà không có dụng ý xấu, đánh giá hậu quả chưa tác động xấu đến xã hội, lúc này cơ quan chức năng có thể nhắc nhở, yêu cầu gỡ bỏ clip chứ không áp dụng chế tài.

Như vậy, ngay với pháp luật Việt Nam, việc yêu cầu xử lý những người chỉ vì nghịch ngợm mà làm ra một clip vô thưởng vô phạt, mang tính hài hước, dựa trên một sự việc có thật đã được Tòa công bố, đã là hành vi thái quá. Nếu xét theo tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, thì hành vi của vị luật sư của bà Lan, là vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dân.

Qua vụ việc này, có thể thấy, càng ngày những Luật, Điều luật vi phạm quyền tự do ngôn luận càng được sử dụng trong các vấn đề dân sự. Ngày càng có nhiều người hơn muốn áp dụng những điều luật này vào đời sống, để bịt miệng, trả đũa đối thủ hoặc người khác quan điểm. Điều này đã xuất hiện lần đầu tiên trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, và những diễn biến mới này càng cho thấy sự nguy hại của những Luật, Điều luật như thế này.

 

Ý Nhi – thoibao.de