Ông Nguyễn Văn Bình – nhà cải cách chính phủ, bị bắt nhưng không công bố

VOA Tiếng Việt ngày 8/5 loan tin “Project 88: Việt Nam bắt giam ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội”.

VOA dẫn thông cáo của tổ chức nhân quyền Project 88, hôm 6/5 cho hay, Công an Hà Nội đã bắt giam ông Nguyễn Văn Bình, 51 tuổi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội từ tháng trước.

Ông Bình được cho là đang dẫn đầu nỗ lực phê chuẩn Công ước 87 của tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), mà nếu được thông qua, sẽ đảm bảo cho người lao động quyền thành lập công đoàn độc lập, mà không cần sự cho phép trước.

Trong khi công an chưa công bố việc bắt giữ này, Project 88 dẫn một nguồn tin nói rằng, ông Bình bị bắt với cáo buộc “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, theo Điều 337 Bộ luật Hình sự.

Tổ chức này cũng cho biết, tên và chức danh của ông Bình đã bị xóa khỏi trang web của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, tầm khoảng ngày 15/4.

Vấn đề công đoàn độc lập vẫn luôn là một trở ngại trong tiến trình hội nhập của Việt Nam, đây cũng là một yếu tố quan trọng để xét xem, một nền kinh tế có thực sự là kinh tế thị trường hay không. Bởi chỉ có công đoàn độc lập, không chịu sự chi phối của nhà nước, thì mới thực sự bảo vệ quyền của người lao động, bảo đảm quyền tự do thương lượng về lương cũng như phúc lợi, giữa người lao động và giới chủ. Đây cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy tiến trình dân chủ hoá.

Tuy nhiên, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn luôn e ngại rằng, một khi cho phép các tổ chức độc lập hoạt động, thì sẽ có nguy cơ vượt quá tầm kiểm soát của nhà nước, và họ lo sợ đó sẽ là sự khởi đầu cho một cuộc cách mạng màu nào đó.

VOA dẫn một nguồn tin không nêu danh tính, cho biết, có thể ông Bình bị bắt từ giữa tháng 4. Người này nói: “Ông Bình là một người cải cách, muốn thúc đẩy Việt Nam công nhận Công ước 87 của ILO về quyền thành lập nghiệp đoàn của người lao động”.

Vụ bắt giữ ông Bình diễn ra trong bối cảnh một làn sóng đàn áp mới ở Việt Nam, vẫn theo Project 88.

Năm ngoái, các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ đã ra lệnh đàn áp nhân quyền do lo ngại về sự can thiệp của nước ngoài, tổ chức này cho biết thêm.

“Vào thời điểm bị bắt, ông Bình đang dẫn đầu nỗ lực phê chuẩn Công ước 87 của ILO, nếu được thông qua sẽ đảm bảo cho người lao động quyền thành lập công đoàn độc lập mà không cần sự cho phép trước”, Project 88 nhận định.

“Vụ bắt giữ ông Bình là vụ bắt giữ một nhà cải cách Chính phủ đầu tiên trong những năm gần đây”, tổ chức này đánh giá.

VOA cho biết, ông Nguyễn Văn Bình được cho là người đã vận động trong Chính phủ, việc mở rộng các biện pháp bảo vệ cho người lao động.

Ông có bằng Tiến sĩ luật kinh tế tại Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi ông thực hiện nghiên cứu về tổ chức công đoàn, cách tăng cường tính độc lập và tính đại diện của công đoàn ở Việt Nam.

VOA cũng cho biết, ông Bình từng làm việc cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trước khi làm việc tại văn phòng Hà Nội của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trong thời gian 5 năm, và sau đó trở thành nhà hoạch định chính sách tại Vụ Pháp chế của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội.

Project 88 đánh giá rằng, ông Bình là “nhân tố chủ chốt” đằng sau Bộ luật Lao động 2019, tạo cơ sở pháp lý để Việt Nam phê chuẩn các công ước của ILO, bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Trước khi bị bắt, ông Bình đang chuẩn bị hồ sơ phê chuẩn Công ước 87 của ILO, với sự hỗ trợ kỹ thuật của ILO để trình Quốc hội Việt Nam.

VOA cho biết thêm, theo Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA), Việt Nam đã đồng ý phê chuẩn công ước này vào năm 2023. Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã trì hoãn quá trình này, nhưng hiện tại, Liên minh châu Âu vẫn chưa áp đặt bất kỳ hậu quả nào đối với sự chậm trễ của Hà Nội.

 

Hoàng Anh – thoibao.de