Công cuộc chống tham nhũng do Tổng Trọng phát động, kể từ sau Đại hội Đảng 12 (năm 2016) cho đến nay, với chủ trương “chống tham nhũng không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ”. Một số dân chúng tin rằng, chủ trương này sẽ được Đảng của ông Trọng áp dụng triệt để.
VnExpress online ngày 29/5 đưa tin, “Cựu bí thư tỉnh ủy Lào Cai bị tuyên hơn 5 năm tù”. Bản tin cho biết, sau 9 ngày xét xử và nghị án, chiều 29/5, Tòa án Nhân dân tỉnh Lào Cai đã tuyên án cựu Bí thư Nguyễn Văn Vịnh 5 năm 6 tháng tù, và cựu Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Doãn Văn Hưởng 4 năm tù. Cả 2 cùng bị kết tội, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác trái phép 1,5 triệu tấn quặng apatit.
Riêng bị cáo Nguyễn Mạnh Thừa – Giám đốc Công ty Lilama, đã bị tuyên mức án cao nhất, lên tới 7 năm 6 tháng tù, về tội “vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, và tội “rửa tiền”.
Ngoài ra, còn nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ, công chức của tỉnh Lào Cai, cũng bị tuyên phạt tù giam, với mức án từ 2 năm 6 tháng, đến 3 năm 3 tháng tù giam.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lào Cai, vào năm 2009, Công ty Lilama được cấp giấy phép đầu tư thực hiện dự án khách sạn, nhà hàng, tại xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai, trên diện tích 3,77 ha. Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lào Cai sau đó đã có văn bản, cho phép Công ty Lilama tận thu, thu gom quặng Apatit. Công ty Lilama đã lợi dụng việc này, công khai đào quặng trái phép, và “bán chui” cho Công ty Apatit Việt Nam. Tổng cộng có hơn 1,5 triệu tấn quặng đã bị khai thác và tiêu thụ trái phép, thu lợi bất chính hơn 610 tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra, trong vụ việc trên, Công ty Apatit Việt Nam thu lời bất chính 184 tỷ đồng, Giám đốc Nguyễn Mạnh Thừa được hưởng hơn 177 tỷ đồng. Để hợp thức số tiền lời bất chính, ông Thừa mượn tài khoản từ 12 người, để “chạy dòng tiền”, trước khi rút ra sử dụng cá nhân và đưa hối lộ.
Truyền thông nhà nước cho biết, trong quá trình điều tra, bị can Nguyễn Mạnh Thừa đã khai nhận, từng đưa tiền hối lộ cho các cá nhân là các lãnh đạo, cán bộ, của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, và một số cán bộ của Thanh tra Chính phủ. Trong số này, cựu Bí thư tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh được “biếu” 5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai nhận 5 tỷ đồng của doanh nghiệp, lại không bị truy tố tội danh “nhận hối lộ”, với lý do, theo Hội đồng Xét xử, đây là việc nhận quà biếu “tình cảm”, hoàn toàn không có biểu hiện vụ lợi, nên được miễn truy tố.
Công luận đã so sánh vụ việc này, với vụ cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, dù đã nhận 200.000 USD trực tiếp từ Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt, nhưng lại không bị truy tố về tội “nhận hối lộ”, với lý do, chiếc túi đựng tiền bị bỏ quên, và ông Anh đã có ý định nộp lại nhưng… không kịp.
Trong status với tiêu đề “Thoát án tử hình”, nhà báo Lưu Trọng Văn đã bày tỏ trên trang Facebook cá nhân, rằng:
“Trong khi ông [Vịnh] nhận 5 tỷ đồng thì gọi là “quà Tết”của doanh nghiệp khai thác lậu tài nguyên. Thật hài hước và chua xót cho nền tư pháp của tỉnh Lào Cai, khi coi việc nhận 5 tỷ đồng này là “quà Tết”, chứ không phải là nhận hối lộ, để rồi không truy tố tên Vịnh này.”
Trong khi, căn cứ theo Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017, thì:
“Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian, nhận hoặc nhận lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.”
Công luận đặt câu hỏi: Tại sao, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lào Cai lại bỏ qua, không truy tố, đồng thời tiếp tay cho bị cáo Vịnh thoát án 20 năm tù, hoặc chung thân, hoặc tử hình. Nền tư pháp nước nhà đang bị khủng hoảng, không chỉ pháp lý, mà cả công lý và niềm tin của người dân.
Vẫn theo nhà báo Lưu Trọng Văn, “phải chăng, trước thực tế nhiều quan tham nhận hối lộ hàng trăm tỷ, ngàn tỷ, vẫn thoát án tử hình, cho nên, tên Bí thư Vịnh chỉ nhận 5 tỷ, theo các quan công tố là số tiền quá bèo, nên không đáng để ghép tội “nhận hối lộ”?”
Đó là lý do vì sao, mỗi khi nhắc đến công cuộc chống tham nhũng của Tổng Bí thư, đa số người dân không còn tin tưởng, và cho rằng, Tổng Bí thư nói không có vùng cấm, nhưng luôn có cái gọi là “vùng kín”. Đây là vùng đặc quyền dành cho các đàn em thân cận của Tổng Trọng, mà ít người biết./.
Trà My – Thoibao.de