Ngày 12/6, VOA Tiếng Việt loan “Thường vụ Quốc hội Việt Nam đồng ý cho cảnh sát giao thông hưởng 85% tiền phạt người vi phạm”.
VOA dẫn truyền thông trong nước cho hay, trong cuộc họp hôm 11/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đồng ý cho cảnh sát giao thông được giữ lại hầu hết số tiền xử phạt các lỗi vi phạm, để ngành công an hiện đại hóa lực lượng và tăng cường cơ sở vật chất.
Theo đó, các báo Việt Nam dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nói rằng, việc trích lại tiền xử phạt vi phạm và giao cho cảnh sát giao thông không phải là vấn đề gì mới.
VOA cho biết, theo quy định hiện hành của Việt Nam, Bộ Công an được Quốc hội phân bổ ngân sách, theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách từ nguồn thu xử phạt, và tỷ lệ phần trăm trích lại, tùy thuộc vào nhu cầu từng năm.
Theo VOA, các báo quốc doanh cho biết, việc quản lý, sử dụng số tiền trích lại, sẽ được thực hiện theo một nghị quyết mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ được ban hành sớm, cũng như căn cứ vào pháp luật về ngân sách nhà nước, như vậy, sẽ không phải sửa đổi, bổ sung quy định trong Luật Ngân sách nhà nước.
VOA dẫn lời Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, khẳng định với Thường vụ Quốc hội rằng, ngành của ông “không lấy một đồng nào” từ việc giữ lại một tỷ lệ lớn tiền phạt, “để bồi dưỡng cho lực lượng cảnh sát giao thông”.
Thứ trưởng Long nhấn mạnh: “Chúng tôi dùng hoàn toàn vào công tác trang bị phương tiện, phương tiện nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật để phục vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông”.
Ông nói, trong thời gian tới, ngành công an “sẽ hiện đại hóa tuần tra, kiểm soát, giám sát giao thông, xử phạt giao thông và điều khiển toàn bộ hoạt động của cảnh sát giao thông”.
Trước đây, ngày 14/11/2023, RFA Tiếng Việt cũng có bài bình luận về vấn đề này.
Theo đó, RFA dẫn quan điểm của nhà báo, nhà quan sát Nguyễn Ngọc Già, nói:
“Theo tôi biết, tất cả các nước phạt vi phạm giao thông rất nặng, với mục đích tạo cho dân chúng ý thức hơn trong việc an toàn, khi tham gia giao thông, chứ không nhằm mục đích tăng số thu. Và cảnh sát giao thông các nước cũng không có quyền thu tiền phạt trực tiếp như cảnh sát giao thông ở Việt Nam.”
“Và điều quan trọng là, khi xem mức phạt như một loại doanh thu, tức là, nhà cầm quyền coi những người thi hành công vụ – ở đây là cảnh sát giao thông – là những người bán sản phẩm. Doanh thu càng cao, thì lương bổng cao theo. Khi Quốc hội đồng ý mức để lại cho Bộ Công an lên đến 85%, tức là, họ mặc nhiên cổ võ và khích lệ việc xử phạt, như một loại doanh thu. Tôi gọi đây là một sự bệ rạc về chính trị.”
“Xây dựng ý thức của người dân trong việc chấp hành luật lệ giao thông để giảm tai nạn và các vi phạm khác, phải là một quá trình rất dài. Nó đến từ văn hóa, từ giáo dục, chứ không phải đến từ chuyện phạt.”
RFA cũng dẫn ý kiến của Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, cho rằng, Chính phủ Việt Nam đang biến người giao thông thành con bò sữa, mà công an sẽ tìm mọi cách vắt. Ông nói:
“Công an lúc này, thay vì điều phối an toàn giao thông, góp ý và đề xuất với các ban ngành liên quan để tổ chức lưu thông an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm và an toàn giao thông, thì ngược lại, họ sẽ cố tình gài một số điểm giao thông mù mờ, để từ đó gài bẫy và bắt phạt người giao thông. Với luật này, giới lãnh đạo Bộ Công an sẽ ra chỉ tiêu rằng, mỗi quý sẽ thu bao nhiêu từ xử phạt hành chính trong giao thông, và giao xuống cấp dưới thực hiện chỉ tiêu đó.
Cấp dưới sẽ ráo riết thực hiện nhằm đạt được chỉ tiêu được giao. Chính vì lý do này mà chúng ta thấy, vô số hình ảnh cảnh sát giao thông núp lùm và tìm mọi cách để phạt người giao thông, thay vì củng cố và cải tạo các biển báo, phân luồng để việc giao thông được thuận lợi và an toàn. Đúng ra, trách nhiệm của cảnh sát giao thông là đảm bảo an toàn giao thông và hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông.”
Thu Phương – thoibao.de