Cuối cùng, cũng đến lượt ông Đinh Tiến Dũng – Uỷ viên Bộ Chính trị, đương kim Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ Đại hội 12 (2016-2021), bị gọi tên.
Truyền thông nhà nước ngày 15/6 đồng loạt đưa tin, tại kỳ họp lần thứ 42, từ ngày 12 đến ngày 14/6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị kỷ luật ông Đinh Tiến Dũng. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú chủ trì kỳ họp này.
Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban cán sự Đảng bộ Bộ Tài chính, nhiệm kỳ 2016 – 2021, và cá nhân ông Đinh Tiến Dũng, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ngoài ra, còn có hàng loạt các ủy viên Ban cán sự Đảng, thứ trưởng Bộ Tài chính, và một số tổ chức Đảng, đảng viên khác của Bộ này, cũng bị đề nghị kỷ luật.
Đáng chú ý, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ:
“Những vi phạm [ở Bộ Tài chính] đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước, và thiệt hại cho nhà đầu tư trái phiếu, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh, và trật tự an toàn xã hội, gây dư luận xấu, bức xúc, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng và cơ quan quản lý nhà nước, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.”
Được biết, sau Đại hội 13, vào trung tuần tháng 9/2021, truyền thông nhà nước từng đồng loạt đưa tin “Bộ trưởng Tài chính nhiệm kỳ 2016 – 2021 có một số vi phạm, khuyết điểm”. Đó là lý do vì sao, đã từ lâu, công luận đã cho rằng, “thanh củi gộc” Đinh Tiến Dũng sẽ trở thành quan chức cấp cao tiếp theo, bị đưa vào “lò” của Tổng Trọng.
Vào thời điểm đó, truyền thông nhà nước mô tả, ông Đinh Tiến Dũng bị cáo buộc đã dính líu tới việc thao túng thị trường chứng khoán, tiếp tay cho các tập đoàn tư nhân trong việc phát hành trái phiếu. Cụ thể:
“Thiếu lãnh đạo, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra đối với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, và các Sở Giao dịch chứng khoán; để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành một số văn bản không phù hợp quy định của pháp luật.”
Trên thực tế, sự lỏng lẻo trong việc cho phép các doanh nghiệp dưới chuẩn được phát hành trái phiếu, đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội và ngành tài chính. Rất nhiều vụ doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã không đủ khả năng, hoặc cố ý chây ỳ không thanh toán trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư, như Sunshine, Bất động sản Nhật Quang, Smart Dragon; hay Golden Hill…
Điều đáng chú ý là, với những sai phạm được đánh giá là “tày đình” như vậy, đã xảy ra từ nhiệm kỳ Đại hội 12, nhưng ông Đinh Tiến Dũng không những không bị kỷ luật, mà còn được Tổng Trọng và Bộ Chính trị đưa vào tổ chức này, đồng thời phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Theo giới thạo tin, ông Dũng cũng giống cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, và một số bộ trưởng đã nhúng chàm từ nhiệm kỳ trước. Song, do chịu bỏ ra số lượng tiền bạc rất lớn, để chạy tội và chạy chức, cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Việc này giúp Tổng Trọng và Trợ lý Hồ Mẫu Ngoạt hưởng lợi nhiều nhất. Cụ thể, Hồ Mẫu Ngoạt thu được những khoản tiền khổng lồ, do quan chức chạy tội để không bị kỷ luật, và cả tiền mua ghế Ủy viên Bộ Chính trị để thăng tiến.
Còn Tổng Trọng thì nắm trong tay cái “án treo lơ lửng” này, để khống chế các uỷ viên Bộ Chính trị phải biểu quyết theo ý chỉ của ông. Đó là lý do vì sao, tỷ lệ phiếu vote theo ý của Tổng Trọng luôn áp đảo, trong các nghị quyết của Bộ Chính trị.
Vẫn theo giới thạo tin, cho đến lúc này, Tổng Trọng coi như đã bị Chủ tịch nước Tô Lâm lột hết quyền lực trong Đảng, và trở thành một ông vua bù nhìn.
Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban cán sự Đảng bộ Bộ Tài chính, nhiệm kỳ 2016 – 2021, ông Đinh Tiến Dũng và hàng loạt các ủy viên Ban cán sự Đảng, thứ trưởng Bộ Tài chính, là do Tô Lâm và phe cánh gây áp lực.
Đây là những dấu hiệu cho thấy, phe cánh của Tô Lâm bắt đầu khởi động, và xúc tiến việc thu hồi chiến quả từ phe Nghệ Tĩnh. Đó là các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường… đều là những mỏ vàng “lộ thiên”, lâu nay thuộc quyền quản lý của phe Nghệ An nói riêng, và phe Nghệ Tĩnh nói chung. Tổng Trọng đã hết sức ưu ái cho phe cánh này, trong suốt thời gian ông nắm giữ quyền lực, và ngồi trên ghế người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.
Công luận và giới quan sát cho rằng, phải chăng, giai đoạn “cá ăn kiến” của Tổng Trọng đã kết thúc, để chuyển sang chương mới, mang tên “kiến ăn cá”. Đây là nỗi kinh hoàng lớn nhất, luôn ám ảnh Tổng Trọng, khiến ông không dám nghỉ hưu.
Trà My – Thoibao.de