Ngày 12/6, RFA Tiếng Việt có bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh – một chuyên gia công pháp quốc tế, về tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ, về vấn đề chủ quyền đối với miền Nam Việt Nam (hay “Khmer Krom” trong cách gọi của Campuchia), theo công pháp quốc tế.
Bài phỏng vấn có tựa đề “Chủ quyền đối với miền Nam Việt Nam theo công pháp quốc tế”.
Trước đó, tối 9/6, Chính quyền Phnom Penh đã cho phép tổ chức một cuộc mít-tinh tại thủ đô của Campuchia, để kỷ niệm một sự kiện được cho là, Pháp đã “nhượng lại” vùng Khmer Krom (bao gồm phần lớn miền Nam Việt Nam ngày nay) từ năm 1949
Ông Hoàng Việt nhắc lại lịch sử, theo đó, năm 1689, Chúa Nguyễn Phúc Chu cử thống suất Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Gia Định, để quản lý vùng đất phía Nam. Tuy nhiên, thời điểm đó chưa quản lý đầy đủ. Lịch sử mở rộng lãnh thổ của Việt Nam đã phải diễn ra rất nhiều chặng đường khác nhau.
Lúc đó, các quy định trong luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ chưa được xác lập rõ ràng như sau này. Phải đến thế kỷ 20, nhất là sau vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Hoa Kỳ và Hà Lan năm 1928, thì mới hình thành một hệ thống pháp lý quốc tế về lãnh thổ quốc gia.
Trong khi đó, năm 1802, vua Gia Long thống nhất Việt Nam, xác lập một lãnh thổ từ bắc đến nam, bao gồm đồng bằng sông Cửu Long.
Theo lịch sử ghi lại, cách Việt Nam mở rộng lãnh thổ, chủ yếu là phương pháp di dân, tức là người Việt được đưa tới ở, người Khmer thấy người Việt tới thì lui dần. Cuộc mở rộng lãnh thổ đó của nhà Nguyễn không có những cuộc tàn sát để chiếm lãnh thổ.
Thực tế hiện giờ, cộng đồng bản địa Khmer vẫn còn nguyên vẹn với 1,3 triệu người, cùng các di sản văn hóa của họ.
Ông Hoàng Việt giải thích, đến 1802 thì Nhà Nguyễn đã xác lập lãnh thổ gần giống như bây giờ.
Đến 1858 thì người Pháp tấn công Việt Nam, năm 1884 thì chiếm toàn bộ Việt Nam. Pháp chia Việt Nam làm 3 kỳ, là Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Trung Kỳ. Trong đó, Nam Kỳ thuộc Pháp, còn Bắc Kỳ và Trung Kỳ thuộc Nhà Nguyễn, do Pháp bảo hộ.
Nam Kỳ theo Hiệp ước Patenôtre giữa Nhà Nguyễn và Thực dân Pháp, là xứ thuộc Pháp, do Pháp quản lý. Vậy thì, làm sao có thể nói đất Nam Kỳ thuộc một nhà nước nào khác, như nhà nước Khmer Krom? Chưa từng tồn tại một nhà nước như vậy của người Khmer Krom.
Trước khi người Pháp tới, thì lãnh thổ đó thuộc quyền quản lý của Nhà Nguyễn. Khi Pháp tới thì lãnh thổ đó thuộc quyền quản lý của Pháp, chứ không phải của một nhà nước nào khác.
Thêm nữa, vấn đề tranh chấp lãnh thổ theo công pháp quốc tế, phải là vấn đề do các quốc gia xử lý với các quốc gia. Tức đây là công việc của nhà nước, chứ một vài nhóm người Khmer Krom đòi hỏi chủ quyền thì điều đó không có ý nghĩa gì về luật pháp quốc tế.
Theo ông Hoàng Việt, xét về mặt công pháp quốc tế, thì không có tranh chấp lãnh thổ nào đối với vùng đất Nam Bộ này.
Nói về khả năng hồi tố, ông Hoàng Việt cho rằng, việc đòi hay không đòi là việc của Campuchia. Nếu Campuchia thích thì đòi; nhưng vấn đề là dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế, thì bằng chứng ở đâu.
Ông Hoàng Việt đặt vấn đề, cái quốc gia mà các bạn Khmer Krom nói tới, đã là một quốc gia được công nhận về mặt luật pháp quốc tế chưa? Nước Campuchia ngày nay có thể tuyên bố kế thừa hay không?
Ông Hoàng Việt phân tích, thời điểm năm 1802, khi Việt Nam thống nhất cả nam bắc, thì chưa có luật pháp quốc tế về vấn đề thụ đắc lãnh thổ. Nếu có nước nào muốn kiện, thì phải áp dụng luật thời đó, chứ không thể áp dụng những bộ luật ra đời trong thời kỳ hiện đại.
Nếu có một vụ kiện như vậy của Campuchia, thì khó có thể thắng được, cả về pháp lý lẫn thực tế.
Hiện vùng đất đó đã trở thành “máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam”, thì không thể đòi lại bằng luật pháp quốc tế.
Ông Hoàng Việt nói thêm rằng, người Pháp đã đại diện Triều Nguyễn, ký hiệp định phân giới biên giới giữa Nam Kỳ với Campuchia vào năm 1870 và 1873. Campuchia cũng đã ký hiệp định biên giới rồi, cắm mốc biên giới rồi. Bây giờ không có lý do gì để đòi lại cả.
Việc Campuchia cho tổ chức cuộc mít-ting nói trên, ông Hoàng Việt cho rằng, đây là vấn đề chính trị.
Do gần đây, quan hệ Campuchia và Việt nam có vẻ hơi xấu đi, đặc biệt do sự kiện kênh đào Techo Funan. Giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng có căng thẳng về Biển Đông.
Minh Vũ – thoibao.de