Các luồng dư luận xung quanh thẩm quyền của Việt Nam đối với lệnh bắt giữ ông Putin của Toà ICC

Ngày 18/6, RFA Tiếng Việt bình luận “Lệnh bắt của Tòa Hình sự Quốc tế đối với Tổng thống Nga Putin và Luật Hình sự Việt Nam”.

RFA cho hay, sự kiện Tổng thống Nga Putin thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, trong 2 ngày 19 và 20/6, đang thu hút sự quan tâm của giới quan sát quốc tế.

Điều đáng chú ý là, từ sau khi bị Tòa án Hình sự Quốc tế ICC phát lệnh bắt giữ, ông Putin chỉ thăm 3 nước, là Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Việt Nam.

RFA nhắc lại, Tổng thống Nga Putin đã bị Tòa ICC phát lệnh bắt giữ ngày 17/3/2023, với cáo buộc phạm tội cưỡng bức đưa trẻ em Ukraine sang lãnh thổ Nga, một cách bất hợp pháp.

RFA nhận xét, tuy Việt Nam không tham gia Tòa này, do đó không có nghĩa vụ thực hiện lệnh bắt. Nhưng Việt Nam có tham gia “Công ước Liên Hiệp quốc về ngăn ngừa và trừng phạt tội diệt chủng” năm 1948, trong đó quy định: “cưỡng bức di chuyển trẻ em của một nhóm dân này sang một nhóm khác” là một hành vi diệt chủng (Điều II).

Ngoài ra, theo RFA, Chương 26 Bộ Luật Hình sự năm 2015 của Việt Nam, có một loạt điều khoản tương thích, ví dụ, Điều 421 về tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Điều 422 xét xử tội chống lại loài người; Điều 423 về xét xử tội phạm chiến tranh; Điều 424 về tội tuyển mộ, huấn luyện, sử dụng hoặc làm lính đánh thuê.

RFA đặt câu hỏi: Việt Nam có thể bắt ông Putin không?

Theo đó, RFA dẫn ý kiến của nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, Bộ luật Hình sự 2015 là nội luật, không phải luật quốc tế, nên Việt Nam không thể bắt ông Putin. Ông giải thích:

“Bộ luật Hình sự Việt Nam có thẩm quyền trên lãnh thổ Việt Nam, xử lý người phạm những tội đó trên đất Việt Nam, hoặc người có quốc tịch Việt Nam vi phạm những tội đó ở nước ngoài. Ông Putin thì không nằm trong bất kỳ loại nào trong phạm vi trên.”

“Tòa ICC thì Việt Nam không tham gia, không thừa nhận thẩm quyền… nên không phải ai bị tòa ICC coi là tội phạm, thì Việt Nam cũng vậy. Nếu xét từ góc độ pháp luật thì vấn đề là như vậy.”

RFA cũng dẫn quan điểm của luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada, giải thích về 2 hướng tiếp cận đối với vấn đề này, như sau:

“Có hai luồng dư luận. Hướng thứ nhất cho rằng, chủ thể phải có hành vi tội phạm trên lãnh thổ Việt Nam. Ông Putin làm những việc đó trên đất Nga và Ukraine, nên Việt Nam không có thẩm quyền.”

“Còn một luồng dư luận khác cho rằng, không nhất thiết ông Putin làm những điều đó trên lãnh thổ Việt Nam, thì Việt Nam mới có điều kiện bắt.”

“Bởi vì các điều 421 đến 424 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam 2015, chỉ là sao chép lại luật quốc tế. Thứ hai là về mặt câu chữ, thì ta thấy rằng, chủ thể ở đây là “bất kỳ ai”… Vì vậy, có thể hiểu là, bất kỳ ai có những hành vi cấu thành những tội nói trên thì đều có thể bị bắt, dù hành vi đó nằm trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam.”

Theo luật sư Khanh, nếu Việt Nam thực sự muốn bắt ông Putin, thì vẫn có thể diễn giải luật để bắt, vì đã có sẵn luật rồi. Nhưng về mặt chính trị, thì sẽ không có bất kỳ khó khăn nào cho Tổng thống Nga Putin.

Ngoài ra, RFA nhận xét, chuyến thăm của ông Putin diễn ra trong bối cảnh Việt Nam không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Hoà bình cho Ukraine cuối tuần trước, đồng thời cử Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Minh Hằng tham dự khối BRICKS (do Trung Quốc dẫn dắt) ở Nga.

Theo luật sư Khanh, trong bối cảnh đó, các nhà quan sát cần tiếp cận chuyến thăm của ông Putin từ rất nhiều góc độ khác nhau. Ví dụ như, có hay không Việt Nam thay đổi chính sách đối ngoại? Đánh giá thế nào về tương lai mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nói riêng, với thế giới tự do nói chung? Và cuối cùng, ai sẽ là người chi phối chính sách của Việt Nam những năm sắp tới.

 

Thu Phương – thoibao.de