Vì sao tình trạng lãnh đạo nhà nước lừa đảo các doanh nghiệp tăng nhanh?

Trong thời gian gần đây, tình trạng một số kẻ xấu giả danh cán bộ, lãnh đạo các ban, ngành, để lừa gạt người dân, đã trở nên rất phổ biến. Đáng báo động hơn, đó là tình trạng một số lãnh đạo các cơ quan ban, ngành, cũng tham gia lừa đảo người dân và doanh nghiệp.

Báo Người Lao Động ngày 21/6, đưa tin với tiêu đề, “Tình tiết mới vụ cựu vụ trưởng chiếm đoạt 80 tỉ đồng của Chủ tịch Tân Hoàng Minh”. Bản tin cho biết, ngày 21/6, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội, đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Sỹ Tá – cựu Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ủy ban Dân tộc Trung ương, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 174, của Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đó, ông Nguyễn Sỹ Tá bị cáo buộc đã lừa đảo 80 tỉ đồng, của ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh. Do cần làm rõ một số vấn đề, tòa đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại.

Trước đó 1 ngày, truyền thông nhà nước đưa tin, ngày 20/6, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giữ ông Trần Anh Vũ, do ông này giả danh Phó trưởng ban Nội chính Trung ương, để lừa đảo chạy vay vốn ưu đãi, mua đất giá rẻ. Cũng tương tự vụ việc Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an Hải Phòng, lừa đảo số tiền 35 tỷ để chạy án. Ông Ca đã bị Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố, bắt giam ngày 18/2/2023, với cáo buộc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an, trong năm 2021, cả nước xảy ra gần 2.500 vụ lừa đảo, trong đó có 527 vụ giả danh cơ quan tư pháp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Công luận đặt câu hỏi, tại sao, các lãnh đạo trong bộ máy nhà nước tham gia lừa đảo ngày càng rất nhiều, trong thời gian gần đây?

Theo giới chuyên gia, một trong những lý do dẫn tới việc người dân và các doanh nghiệp dùng tiền, để nhờ vả lãnh đạo cao hơn “giúp đỡ”, do việc lo thủ tục hành chính công, rõ ràng cho thấy, bộ máy hành chính công của Việt Nam chưa thực sự chuyên nghiệp. Do đó, cả đã xảy ra tình trạng “ách tắc, trở ngại”, và cần chất bôi trơn cho những người thực thi trong bộ máy. Một số kẻ đã tạo hở để trục lợi.

Về hiện tượng có một số người đã giả danh là cán bộ, hay lãnh đạo nhà nước, để tiến hành lừa đảo. Công luận cho rằng, “không có lửa thì làm sao có khói”. Nguyên nhân, vì chính công an cũng lừa đảo, là chuyện đã rất phổ biến hiện nay dưới danh nghĩa “chạy án”. Đây là một lỗ hổng lớn trong ngành tư pháp ở Việt Nam. Như vụ ông Đặng Việt Hà, nhờ chạy án, và đã bị lừa 100.000 USD để chạy án, là một ví dụ.

Quan trọng hơn, theo giới chuyên gia, điều đó đã chứng tỏ, một bộ phận không nhỏ công chức, viên chức, và lãnh đạo trong bộ máy nhà nước, đặc biệt trong trong ngành tư pháp – công an, kiểm sát và tòa án, có khá nhiều người không đủ phẩm chất đạo đức. Ngoài ra, đây cũng là hệ quả của một hệ thống pháp luật nhà nước thiếu nghiêm minh, thiếu tinh thần thượng tôn pháp luật.

Đây là một nhược điểm rất lớn ở xã hội Việt Nam. Theo giới luật sư, do pháp luật Việt Nam có “độ giãn” rất lớn về hình phạt, đối với cùng một tội danh. Đó là lý do khiến người dân thường có thói quen nhờ vả “người nhà nước” giúp đỡ. Từ đó, tạo điều kiện cho các “đầy tớ”, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để kiếm ăn. Thậm chí, có những người chẳng có chức vụ, quyền hạn gì cả, nhưng thấy dễ ăn nên đã giả danh để lừa đảo, như đã thấy.

Báo Thanh Tra online mới đây cho hay, trong năm 2023, có hơn 1.000 vụ án mới về tham nhũng, chức vụ, trong ngành tư pháp, đã bị khởi tố, tăng gần 110% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, các tài liệu chính thức từ phía các cơ quan như viện kiểm sát, cơ quan điều tra, công an, và tòa án, đưa ra đều chứng minh cho thấy, sự xuống cấp toàn diện, với các vụ chạy án rất lớn về số lượng tiền bạc mà người dân không thể tưởng tượng được.

 

Trà My – Thoibao.de