Xử kín tỷ phú Trịnh Văn Quyết và màn giải cứu ngoạn mục cho Đinh Tiến Dũng?

Ngày 28/10/2023, tỷ phú Trịnh Văn Quyết – nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, đã bị Bộ Công an khởi tố bắt giam với 2 tội danh, “thao túng thị trường chứng khoán” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ông Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc lừa đảo, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng, bằng “chiêu” tăng vốn điều lệ khống của công ty Xây Dựng Faros – một công ty con của Tập Đoàn FLC.

BBC Việt ngữ ngày 1/7 đưa tin “Tòa xử kín vụ ông Trịnh Văn Quyết, triệu tập gần 100 ngàn nhà đầu tư”. Bản tin cho biết, ông Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, và 49 bị can, dự kiến sẽ bị xét xử vào ngày 22/7, với cáo buộc thao túng 5 mã cổ phiếu, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.

Phiên xử sơ thẩm sẽ diễn ra tại Toà án Nhân dân Hà Nội, dự kiến sẽ kéo dài nhiều ngày, với 30.403 nhà đầu tư đã mua cổ phiếu mã ROS trong lần bán ra đầu tiên, và hơn 63.000 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu này, được triệu tập trong vai trò người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Gần 100 luật sư đã đăng ký bào chữa cho các bị cáo. Riêng ông Quyết có 4 luật sư bào chữa. Đáng chú ý, trong số 7 người khác cùng tội danh với ông Quyết, có tới 6 người là anh em ruột và người trong gia đình của ông.

Vẫn theo BBC, cáo trạng cho thấy, để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, ông Quyết cùng em ruột là Trịnh Thị Minh Huế và ông Doãn Văn Phương – cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Faros (người đã bỏ trốn), nâng khống vốn của Công ty FLC Faros từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng. Từ đấy, ông Quyết bán ra 391 triệu cổ phiếu, hình thành từ vốn góp nâng khống, cho hơn 30.400 nhà đầu tư, chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng.

Dư luận xã hội từ lâu đã nghi vấn về thế lực đứng sau, tạo điều kiện cho tỷ phú Trịnh Văn Quyết kinh doanh và giàu lên nhanh chóng. Đồng thời cũng nghi ngờ, tại sao, trong hoạt động mua bán chứng khoán, ông Quyết có biểu hiện sai phạm, liên tục và có hệ thống, trong việc thao túng giá cổ  phiếu để trục lợi, mà không bị xử lý hoặc chỉ bị xử lý rất nhẹ.

Ví dụ, cuối năm 2017, ông Quyết đã bán chui 57 triệu cổ phiếu, thu về không dưới 400 tỷ đồng, mà chỉ bị phạt vẻn vẹn có… 65 triệu đồng. Nhưng câu hỏi, ai là người đã che chắn và bảo kê cho Trịnh Văn Quyết lộng hành, trong suốt một thời gian dài như vậy, đến nay vẫn là một ấn số?

Tuy nhiên, sau Đại hội 13, vào trung tuần tháng 9/2021, truyền thông nhà nước từng đưa tin “Bộ trưởng Tài chính nhiệm kỳ 2016 – 2021 có một số vi phạm, khuyết điểm”. Theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Đinh Tiến Dũng bị cáo buộc đã dính líu tới việc thao túng thị trường chứng khoán, và tiếp tay cho các tập đoàn tư nhân trong việc phát hành trái phiếu. Cụ thể:

“Đồng chí Đinh Tiến Dũng thiếu lãnh đạo, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra đối với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở Giao dịch chứng khoán, để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành một số văn bản không phù hợp quy định của pháp luật.”

Nhưng Bộ Công an cũng chỉ đề nghị truy tố 4 cựu lãnh đạo của Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, và 3 cán bộ thuộc Uỷ ban Chứng khoán nhà nước, vì giúp Trịnh Văn Quyết chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung nhằm “bảo đảm việc truy tố”.

Báo Dân Trí ngày 28/10/2023 cho biết, “Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thay đổi lời khai, không nhận tội”. Theo đó, sau khi kết luận điều tra của Bộ Công an gửi sang Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, để ban hành cáo trạng truy tố, thì bất ngờ, ông Quyết đã phản cung, không thừa nhận những lời khai trước đó trong hồ sơ vụ án.

Theo giới thạo tin, khi đó ông Quyết còn khai ra một danh sách dài những người liên quan, kể cả những người đứng đầu Chính phủ, Quốc hội, cho đến các bộ, ngành, các tỉnh thành… từ trước đến nay đã nhận hối lộ từ ông Quyết.

Ngày 15/6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật ông Đinh Tiến Dũng – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cựu Bộ trưởng Tài chính. Ngay sau đó, ngày 21/6, Bộ Chính trị đã ra thông báo, Ban Chấp hành Trung ương đồng ý để ông Đinh Tiến Dũng được thôi các chức vụ, để nghỉ công tác và nghỉ hưu.

Công luận thấy rằng, đây là một sự phối hợp nhịp nhàng, và là màn giải cứu ngoạn mục của Ban lãnh đạo Đảng, với mục đích chạy tội cho ông Đinh Tiến Dũng, để ông được hạ cánh an toàn. Đồng thời, để ông Dũng tránh phải đối mặt với bị cáo Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa./.

 

Trà My – Thoibao.de