Theo giới chuyên gia, từ góc độ xã hội học, việc tạm giam đối với các nghi can, bị can, hay bị cáo, nếu kéo dài quá thời hạn theo quy định của pháp luật, không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân nghi can, mà còn tác động lớn đến gia đình họ, cũng như cộng đồng nơi họ sinh sống.
Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29/6/2024, đưa tin “Chuyện hy hữu: Tạm giam 13 năm!”. Bản tin cho biết, một bị cáo vừa được tại ngoại, sau khi bị tạm giam đến 13 năm, trong một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc chào mời góp vốn, từ năm 2010.
Theo đó, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội vừa có quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với bị cáo Nguyễn Huy Khang (65 tuổi, trú huyện Tân Yên, Bắc Giang), do xét thấy, ông “không cần thiết phải tiếp tục tạm giam”.
Qua tìm hiểu, được biết, ông Nguyễn Huy Khang – bị bắt tạm giam từ năm 2011, và bị điều tra, truy tố, xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, trong vụ án chuyển nhượng phần vốn góp của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Công nghiệp Trường Sinh. Vụ án này đã khởi tố từ năm 2010, kéo dài hơn 10 năm, đã 2 lần Tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại, nhưng đến nay vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng.
Cụ thể, vào tháng 11/2016, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt ông Nguyễn Huy Khang 18 năm tù; ông Nguyễn Đình Bang – cựu Giám đốc Công ty Trường Sinh 16 năm tù, về cùng tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nhưng đến tháng 10/2017, Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội, đã tuyên hủy bỏ toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu điều tra bổ sung.
Đến tháng 9/2019, vụ án được đưa ra xét xử theo trình tự sơ thẩm lần 2, ông Nguyễn Đình Bang đã cung cấp thêm chứng cứ mới, khiến Hội đồng Xét xử phải trả hồ sơ, tiếp tục yêu cầu điều tra bổ sung.
Đến tháng 3/2020, toà mở lại phiên sơ thẩm lần thứ 3, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Huy Khang 18 năm tù; Nguyễn Đình Bang 16 năm tù, đồng thời buộc 2 bị cáo phải bồi thường 22 tỷ đồng và 7.000 USD.
Tới năm 2022, tại phiên Phúc thẩm lần 2, đã phát sinh việc bị can Hoàng Thị Xuân trước đó đã bỏ trốn, rồi bị bắt lại theo lệnh truy nã. Hội đồng Xét xử cho rằng, việc điều tra làm rõ hành vi phạm tội của bà Xuân, sẽ giúp cho việc làm rõ mức độ, hành vi của 2 bị cáo Khang, và Bang. Do vậy, tòa án cấp phúc thẩm một lần nữa hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại từ đầu.
Báo Pháp luật cho biết, tại cơ quan điều tra và tại các phiên tòa, cả 2 ông Bang và Khang đều kêu oan, khẳng định, bản thân các ông không có chuyện lừa đảo.
Theo Khoản 1, Điều 277 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Sửa đổi bổ sung năm 2017, thì:
“Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 2 tháng, đối với tội phạm ít nghiêm trọng; không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng; và không quá 4 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.”
“Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”
Theo báo Pháp Luật, Luật sư Hoàng Kim Minh Châu – Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, việc tạm giam các bị can kéo dài đến 13 năm, đã cho thấy sự thiếu hiệu quả và thiếu trách nhiệm, cũng như nhiều vấn đề phải xem lại của các cơ quan tố tụng.
Người xưa có câu, “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” – một ngày tù bằng nghìn năm ở ngoài. Công luận thấy rằng, việc tạm giam quá lâu đối với người bị nghi ngờ phạm tội, sẽ làm giảm sút niềm tin vào hệ thống pháp lý của nhà nước; đồng thời, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của đất nước./.
Trà My – Thoibao.de