Người Việt “giả sư” để vào Úc

Ngày 3/7, RFA Tiếng Việt loan tin “Bắt 3 người trong đường dây đưa người đi Úc lao động trái phép dưới “vỏ bọc” nhà sư”.

Theo đó, 3 người trong đường dây đưa người sang Úc lao động trái phép, dưới vỏ bọc “nhà sư”, vừa bị Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ.

Cụ thể, RFA dẫn truyền thông nhà nước cho hay, Công an tỉnh Hà Tĩnh trong ngày 2/7 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Ngọc Hằng (ngụ quận 7, Sài Gòn) về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” và “Làm giả con dấu, tài liệu, của cơ quan, tổ chức”; Đậu Thị Khuyên (Hà Tĩnh) về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”; và Nguyễn Văn Khánh (Đồng Nai) về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Theo RFA, Công an Hà Tĩnh cho biết, từ cuối năm 2023, Công an đã nắm được thông tin, có một số nghi phạm lợi dụng việc các cơ sở Phật giáo ở Úc thường xuyên tổ chức các khóa tu học, dành cho Phật tử trên toàn thế giới, nên đã móc nối, tổ chức cho nhiều công dân ở các tỉnh thành trong nước, như Hà Tĩnh, Nghệ An, Bạc Liêu, Sài Gòn… trốn sang Úc lao động trái phép, với thủ đoạn làm giả hồ sơ nhà sư. Chi phí mỗi lượt đưa đi thành công là 300 triệu đồng.

RFA cho biết, vào đầu năm 2024, Công an phát hiện Khuyên, Hằng và Khánh tổ chức cho Hồ Văn Thìn (Nghệ An) sang Úc lao động theo đường dây trên.

Theo thỏa thuận, khi Thìn sang đến Úc, nhóm của Hằng sẽ cho người đón Thìn, và sắp xếp công việc làm nghề nông tại Úc cho ông.

Để thực hiện hành vi trên, nhóm Hằng yêu cầu Thìn cạo đầu, mặc đồ tu hành, đến chùa Kim Quang (Đà Nẵng) để chụp ảnh giả mạo. Sau đó, Hằng liên hệ các cơ sở tôn giáo ở Úc để xin thư mời cho Thìn, với pháp danh Thích Giác Ngộ và đang tu hành tại chùa Kim Quang.

Nhóm Hằng cũng đã liên hệ với Nguyễn Văn Khánh (Đồng Nai), nhờ làm thay đổi hình ảnh chân dung trên căn cước công dân của Thìn thành Phật tử theo Phật giáo.

Tuy nhiên, vẫn theo RFA, đường dây của nhóm Hằng đã bị Công an phát hiện, và đến ngày 9/5, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Hằng, Khuyên và Khánh. Hiện vụ án đang được cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra.

Vài năm trở lại đây, kể từ sau đại dịch Covid-19, khi kinh tế Việt Nam ngày càng suy thoái trầm trọng, người Việt thuộc mọi giới đều tìm mọi cách để ra nước ngoài làm việc, định cư, bằng cả những con đường hợp pháp và bất hợp pháp.

Gần đây, ngày 7/5, RFA đã công bố một phóng sự dài về hành trình vượt hàng rào biên giới vào Mỹ từ Mexico của người Việt.

Theo đó, gần 6.000 người Việt đã luồn lách qua những cánh rừng, những hoang mạc đầy bất trắc, gần biên giới đường bộ Mexico, để leo rào vào Mỹ một cách bất hợp pháp. Họ đánh cược cả tài sản, tuổi trẻ, và tính mạng, với hy vọng mơ hồ rằng, sẽ được định cư tại Mỹ.

RFA cho biết, hầu hết những người di dân Việt Nam muốn vượt hàng rào biên giới vào Mỹ, đều nhập cảnh vào Mexico bằng nhiều con đường khác nhau.

Đến được Mexico, họ sẽ được tài xế người Mexico chở qua đoạn đường rừng, đến hàng rào biên giới với San Diego, Mỹ. Từ đây, đường dây đưa người đi sẽ hướng dẫn họ vào Mỹ, bằng cách vượt hàng rào biên giới giữa Mexico và San Diego.

Sau khi vượt qua biên giới, họ được đưa đến một cơ sở tạm giữ người nhập cư trái phép ở San Diego, Mỹ. Sau đó, họ sẽ bị cảnh sát biên giới đưa vào cơ sở giam giữ gần San Diego. Ở đây, nhân viên thuộc Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ sẽ kiểm tra lý lịch và phỏng vấn người di cư. Quá trình làm thủ tục này mất từ 2 đến 7 ngày. Cuối cùng, người di cư sẽ được ra khỏi trại tạm giam và bắt đầu quá trình nộp đơn xin tị nạn.

 

Ý Nhi – thoibao.de