Khơi lại vụ Ciputra là nhắm thẳng vào ông Trọng

Ngày 8/7, RFA Tiếng Việt bình luận “Vụ Ciputra: Khơi lại trách nhiệm người đứng đầu của ông Nguyễn Phú Trọng?”

RFA nhắc đến chất vấn của Đại biểu Vũ Ngọc Anh, trong phiên họp của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội mới đây, về trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan Nhà nước, liên quan dự án Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra). Đây là một trong những khu đô thị mới đầu tiên, do nhà đầu tư Indonesia và Việt Nam hợp tác, liên doanh xây dựng tại Hà Nội năm 2002, có quy mô lớn nhất miền Bắc, với tổng diện tích hơn 300ha, tổng số vốn khoảng hơn 2 tỷ USD.

RFA dẫn lại một bài báo của Tuổi Trẻ, viết năm 2006, rằng, chỉ vì một quyết định của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ngày 14/12/2004, duyệt giá thu tiền sử dụng đất của Dự án khu đô thị Nam Thăng Long, sớm hơn 16 ngày so với việc công bố giá đất theo Luật Đất đai, mà ngân sách Nhà nước đã thiệt hại 3.000 tỉ đồng. Được hưởng siêu lợi nhuận này là tập đoàn Ciputra. Đứng đầu thành phố Hà Nội lúc đó là ông Nguyễn Phú Trọng – Bí thư Thành ủy Hà Nội.

RFA dẫn nhận định của một nhà quan sát chính trị trong nước, cho rằng:

“Với quy định được ban hành vào tháng 4/2024 của Bộ Chính trị, là cơ quan cao nhất của Đảng, thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.”

 “Do đó, ông Trọng phải chịu trách nhiệm với tư cách người đứng đầu.”

“Khơi lại vụ Ciputra là người ta đang đánh thẳng vào ông Trọng. Như thế, ông Trọng hiện nay đang lâm vào thế thân bại danh liệt, theo đúng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, và Việt Nam đang bước vào thời kỳ cuối của giai đoạn đấu đá quyết liệt nhất.”

“Theo tôi, đây là bước chuyển từ chế độ độc đảng toàn trị sang chế độ độc tài toàn trị.”

“Kỳ này, ông Tô Lâm có nắm được luôn cả chức Tổng Bí thư hay không, sẽ là điều quyết định cho Việt Nam chuyển đổi từ mô hình độc đảng toàn trị sang độc tài toàn trị thành công hay không.”

Theo nhà quan sát này, dự án Ciputra lấy ý tưởng từ sự thành công của khu đô thị Phú Mỹ Hưng ở Sài Gòn, do một tập đoàn Đài Loan đầu tư. Tuy nhiên, Ciputra thất bại, vì: Việc đền bù cho người dân để lấy đất xây Ciputra theo mức định giá đất của nhà nước, mà việc này luôn làm thất thoát ngân sách; luật về đất đai và các bộ luật liên quan tới đất đai, về kinh doanh bất động sản thay đổi xoành xoạch, dẫn đến việc Ciputra phá gần hết các quy hoạch; Ciputra được quản lý trên tư duy nông nghiệp lạc hậu.

RFA dẫn ý kiến của nhà báo độc lập Nguyễn Khắc Toàn, cho rằng, khi một Đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội nhắc lại vụ Ciputra, tức là muốn nhắc lại sai lầm của ông Trọng, lúc còn làm Bí thư Hà Nội. Ông nói:

“Như vậy là, họ nhắm vào việc khoét sâu cái sai lầm, cái vi phạm luật pháp, cái khuyết điểm nặng nề, rất trầm trọng của ông Nguyễn Phú Trọng, khi còn làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Bây giờ, họ đưa vụ này ra để ép ông ấy, một là phải viết đơn xin từ chức như Võ Văn Thưởng, Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ. Ông ấy đã quá già yếu rồi, và để lại một bộ máy đảng trị với công tác nhân sự yếu kém, trì trệ, ù lỳ, đến độ anh em công an bây giờ họ cũng không chịu nổi.”

“Người ta phải công phá vào bộ máy thành trì đảng trị này, để Đảng có cơ hội cải cách và thể chế được cơ hội cải cách.”

RFA cho biết thêm, trong khi hàng loạt cấp dưới của ông Trọng phải từ chức, bị bắt giam, thì ông Trọng vẫn “bình chân như vại”, là điều dư luận đặt câu hỏi, nhất là từ khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 142. Quy định này nêu rõ, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, kể cả sau khi đã chuyển công tác và về hưu, trong 2 trường hợp: Giới thiệu cán bộ để bầu cử, bổ nhiệm thiếu công tâm, khách quan; Miễn nhiệm cán bộ không bảo đảm căn cứ, thủ tục theo quy định.

 

Hoàng Anh – thoibao.de