Quy định về “thẩm quyền người đứng đầu” có đang đi ngược lại Hiến pháp?

Ngày 7/8, RFA Tiếng Việt nhận định “Quy định của Bộ Chính trị về thẩm quyền người đứng đầu: vi hiến, dễ bị lạm dụng!”.

Theo đó, ông Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, hôm 6/8, đã ký ban hành Quy định số 148-QĐ/TW của Bộ Chính trị, về “thẩm quyền của người đứng đầu”, trong việc đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới khi cần thiết, hoặc khi có dấu hiệu vi phạm quy định của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước.

RFA dẫn nhận định của Luật sư Đặng Đình Mạnh, từ Hoa Kỳ, về Quy định trên, nói rằng, ông “kinh ngạc khi họ có thể ban hành một văn bản hoàn toàn vi hiến và vi luật một cách hiển nhiên như vậy.”

“Ngay tại Điều 1… văn bản này đã liệt kê đối tượng áp dụng, bao gồm cả cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính quyền. Trong khi đó, về nguyên tắc, thì luật pháp duy nhất có thể chi phối họ, chỉ có thể là Luật cán bộ, công chức, là đạo luật do Quốc hội ban hành mà thôi.”

Theo Luật sư Mạnh, không phải cán bộ, công chức, viên chức nào cũng là đảng viên Đảng Cộng sản, để có thể bị ràng buộc hiệu lực từ văn bản của Đảng.

Ông nói tiếp:

“Trong trường hợp Đảng muốn ý chí của mình trở thành quy định pháp luật, có thể chi phối cán bộ, công chức, viên chức thuộc chính quyền, thì họ phải thông qua cơ chế Quốc hội, để ban hành đạo luật thể hiện ý chí của Đảng. Nhưng cơ quan ban hành nhất thiết phải là Quốc hội.”

RFA cho biết, Quy định số 148-QĐ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ, việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, do Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, “người đứng đầu” có thể đình chỉ công tác đối với các chức danh cấp ủy viên, đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, các chức danh tư pháp, ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… nếu họ vi phạm về đạo đức, lối sống, có hành vi nhũng nhiễu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín tổ chức, hoặc đang bị xem xét, xử lý kỷ luật…

RFA dẫn lời một cán bộ từng làm việc trong nhiều cơ quan nhà nước ở Việt Nam, cho biết, quy định này không mới.

“Lâu nay, trong thực tế cũng có nhiều trường hợp cấp trên ký quyết định đình chỉ vĩnh viễn, cách chức, hay tạm đình chỉ cấp dưới để phục vụ điều tra một sự việc gì đó, tại đơn vị mà người bị tạm đình chỉ làm lãnh đạo.”

“Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng được diễn ra như thế, vì có nhiều mối quan hệ cá nhân đan xen giữa cấp trên và cấp dưới, tình cảm cá nhân đặt trên lý trí, ý chí của pháp luật.”

Theo vị cán bộ này, chính vì tình trạng trên, nên mới có Quy định kể trên, mà Bộ Chính trị vừa ban hành, nhằm để nhà nước làm căn cứ, luật hóa vấn đề này.

Quy định mới vừa ban hành là hợp lý, nhằm làm cho bộ máy quản lý hoạt động được trơn tru và có hiệu quả. Còn việc có lạm quyền hay không, thì phụ thuộc vào ý chí của người đứng đầu, xử lý công tâm hay lợi dụng vì mục đích cá nhân.

Ông này cho rằng, trong thực tế, cũng đã có việc lạm quyền, nhằm loại trừ người không cùng ê kíp.

Theo RFA, liên quan việc xử lý cán bộ, vào năm 2023, Bộ Nội vụ từng đề xuất, cán bộ, công chức bị kỷ luật “tự nguyện tinh giản biên chế”.

Cụ thể, Bộ Nội vụ đề nghị bổ sung trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức… trong thời gian bị kỷ luật, khiển trách, hoặc cảnh cáo, thì “tự nguyện” thực hiện tinh giản biên chế, và được cơ quan trực tiếp quản lý đồng ý.

Trước đó, vào tháng 11/2022, Bộ Chính trị từng đề xuất cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo, hoặc khiển trách, mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, thì nên tự nguyện xin từ chức. Những đề xuất này khi đó bị dư luận cho là nực cười và phi thực tế.

 

Minh Vũ – thoibao.de