Một trong những chủ đề liên quan đến chính trường Việt Nam, được công luận quan tâm theo dõi và bám sát nhất, có lẽ là việc xử lý các sai phạm của cựu Thủ tướng, cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và gia đình.
Cách đây ít lâu, giới thạo tin tiết lộ, một bộ phận lãnh đạo cấp cao trong Đảng đã nhận được tài liệu phổ biến “nội bộ”. Nội dung là phải triệt hạ bằng hết chân rết quyền lực của ông Phúc cùng với đồng đảng ở khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, và các tỉnh lân cận.
Theo đó, đây là một phe cánh chính trị rất nguy hiểm, đã gây chia rẽ trầm trọng trong nội bộ Đảng, và đã thực hiện các hành vi tham nhũng có tổ chức, với quy mô hết sức nghiêm trọng. Phe cánh chính trị của Nguyễn Xuân Phúc đã sử dụng hệ thống truyền thông do Nguyễn Công Khế cầm đầu, để hỗ trợ đưa tin trong cuộc chiến nội bộ giữa các phe cánh trong Đảng.
Đó cũng là lý do, vì sao, cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế – người được mệnh danh là ông “trùm” truyền thông, lại bị bắt vào đầu năm 2024. Ở thời điểm đó, giới thạo tin đã tin rằng, nạn nhân tiếp theo của Bộ trưởng Công an Tô Lâm sẽ là Bảy Phúc, chứ không phải là ông Tư Sang – một người được cho là “đại ca” trực tiếp của ông Khế.
Công luận đặt vấn đề, tại sao, sau khi ông Phúc bị buộc phải thôi chức Chủ tịch nước vào đầu năm 2023, người ta thấy ông Bảy Phúc bất ngờ đến thăm cựu Thủ tướng Ba Dũng, tại tư gia ở Sài Gòn?
Tại sao, người xử lý ông Phúc là Tổng Trọng, và Bộ trưởng Công an Tô Lâm lúc đó chỉ là “đầu sai” của Tổng Bí thư, nhưng Bảy Phúc vẫn biết rất rõ, tiếng nói của ông Ba Dũng có trọng lượng trong mọi quyết định của Bộ trưởng Tô Lâm. Điều đó cũng có nghĩa là, ông Phúc đã biết rất rõ mối quan hệ trong “bóng tối” giữa Tô Lâm và ông Nguyễn Tấn Dũng.
Trở lại vấn đề, các nguồn tin nội bộ của thoibao.de khẳng định, hồ sơ điều tra của Bộ Công an đối với các hành vi sai phạm của ông Phúc và phu nhân Nguyệt Thu, có liên quan đến việc nhận hối lộ, rửa tiền, đã được đặt trên bàn làm việc của Tô Tổng.
Vẫn theo giới thạo tin, hồ sơ này sẽ được đích thân Tô Tổng xem xét kỹ lưỡng, trước khi chuyển tới các thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghiên cứu. Cuối cùng, hồ sơ sẽ được thống nhất trong một cuộc họp xét kỷ luật của Bộ Chính trị, có sự tham gia của các thành viên Ban Bí thư.
Theo nguồn tin nội bộ, loạt hành vi sai phạm của ông Nguyễn Xuân Phúc và Trung tướng Trần Văn Vệ, bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đánh giá là “đặc biệt nghiêm trọng”.
Đồng thời, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cũng yêu cầu ông Phúc phải giải trình, về việc dùng quyền lực cá nhân, để can thiệp chỉ đạo một số vụ án. Đó là lý do vì sao, theo nguồn tin, không chỉ vợ chồng ông Phúc, mà cả Trung tướng Trần Văn Vệ cũng có nguy cơ bị khởi tố, bắt giam, trong thời gian tới, sau khi Bộ Chính trị họp bàn và thông báo kết luận cuối cùng.
Công luận cho rằng, trong thời gian hơn 13 năm cầm quyền, trên cương vị Tổng Bí thư, ông Trọng đã chống tham nhũng một cách nửa vời. Điều đó đã đánh mất sức chiến đấu của Đảng, và lòng tin của người dân.
Dẫu trên tinh thần “đốt lò” không có vùng cấm, không có ngoại lệ, để làm gương, nhưng việc truy tố một cựu Ủy viên Bộ Chính trị như ông Nguyễn Xuân Phúc, không phải là chuyện dễ dàng. Bởi “cả làng tham nhũng chứ mình Phúc đâu?”, nghĩa là, không chỉ xử lý một trường hợp của ông Bảy Phúc, mà phải xử lý tất cả những người liên quan.
Có lẽ, đây là lý do, việc xử lý, khởi tố, và bắt giam ông Nguyễn Xuân Phúc không phải là chuyện ngày 1 ngày 2, mà Tô Tổng và Bộ Chính trị sẽ còn phải “nâng lên, đặt xuống” nhiều lần.
Trà My – Thoibao.de