Cả hệ thống công quyền đàn áp tiếng nói trái chiều, khiến xã hội trở nên cực đoan

Ngày 3/9, RFA Tiếng Việt bình luận “Vụ nam sinh “Đường Lên Đỉnh Olympia”: Công an vào cuộc là quá mức?”.

Theo đó, Chu Ngọc Quang Vinh – học sinh lớp chuyên Anh trường Trung học Phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành, tỉnh Yên Bái, là thí sinh từng đoạt vòng nguyệt quế của cuộc thi tháng 1, quý 1 “Đường Lên Đỉnh Olympia”, đang là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên mạng xã hội mấy ngày qua.

RFA chỉ ra lý do khiến cộng đồng mạng đều biết đến nam sinh lớp 12 này. Câu chuyện bắt đầu từ status của nam sinh, đăng trên Facebook cá nhân, với nội dung bị cho là “nói xấu Đảng”“tìm kiếm cơ hội để sống ở nước ngoài”.

Sự việc bị đẩy đến cao trào, khi Quang Vinh bị Công an tỉnh Yên Bái mời làm việc vào ngày hôm sau, nam sinh buộc phải viết một status khác trên Facebook, để xin lỗi về phát ngôn của mình.

RFA dẫn chia sẻ của ông Nguyễn Trí Tường, cho rằng:

“Ở một xã hội mà dối trá cũng là một thứ trách nhiệm, và tung hô trong dối trá cũng là một thứ bổn phận. Ấy vậy mà cháu ấy lại nói thật, thì sao chúng để cháu đó sống yên lành được.”

Theo RFA, Sở Giáo dục Yên Bái hôm 2/9, cho truyền thông nhà nước biết, đã chỉ đạo trường Trung học Phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành báo cáo nhanh sự việc, đồng thời cử cán bộ, giáo viên, trực tiếp đến gia đình học sinh Chu Ngọc Quang Vinh, để nắm thêm tình hình.

RFA dẫn nhận định của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, rằng:

“Tôi thấy, nếu có người cho cháu là dũng cảm, hay chân thành… hay cho là sai trái, bậy bạ… đó là bình thường, đó là ý kiến của từng người, về một ý kiến của người khác.

Nhưng điều động công an để mời người ta lên làm việc, tức là đặt ra vấn đề phạm pháp, thì cái đó quá sức xâm phạm đến quyền tự do suy nghĩ của người ta, cái đó là quá mức. Như vậy, khiến cho cái nhìn của cháu đối với xã hội đã tiêu cực càng được củng cố thêm, và điều đó cũng khiến cho người dân nhìn vào trường hợp này, lại có cái nhìn không thiện cảm tới nhà nước. Cách ứng xử như thế là kém, có hại nhiều hơn có lợi.”

RFA dẫn nhận xét của thầy giáo Đỗ Việt Khoa, cho rằng:

“Chuyện này là quan điểm của cá nhân em ấy, chỉ có 16 người được chia sẻ và không hoàn toàn sai… thì tốt nhất là im lặng. Nhưng lâu nay, ở Việt Nam, có nhiều quan chức mà cứ ai nói gì khác với các ông ấy thì bắt đầu ghét, vùi dập…

Dùng công an để triệu tập em ấy chỉ vì một việc rất đơn giản, đã dẫn đến việc cả nước biết, cả thế giới biết, thì vô tình, phơi bày lãnh đạo của Việt Nam thiếu dân chủ, thay vì ủng hộ chính quyền, thì bây giờ, số đông lại quay sang phê phán chính quyền.”

RFA cũng dẫn ý kiến của Luật sư Vũ Đức Khanh, từ Canada:

“Chúng ta khoan bàn đến nội dung phát biểu của bạn Quang Vinh đó đúng, sai. Điều chúng ta cần làm, là phải tìm hiểu cho thật kỹ những ý kiến đó như thế nào, và nên thảo luận một cách nghiêm túc và không thiên kiến.”

Luật sư Khanh cho rằng, đây là thời khắc lịch sử của đổi mới” lần thứ 2 – một sự về đổi mới tư duy, về thể chế chính trị trước thời đại mới. Ông nói tiếp:

“Chúng ta hiện chưa biết gì ở ngày mai, nhưng có một điều gần như chắc chắn là, lòng dân chúng ta đang hướng tới một sự thay đổi tốt đẹp hơn cho đất nước, đặc biệt là trong giới trẻ. Các bạn ấy đang đặt lại vấn đề của đất nước, và tìm giải pháp cho tất cả chúng ta.

Cho nên, chúng ta nên có tinh thần cầu thị, lắng nghe và trao đổi thẳng thắn, nghiêm túc, hơn là dùng quyền hạn của người lớn, những người có quyền sinh sát trong tay, để áp đặt quan điểm của chúng ta. Tôi hy vọng xã hội ta nên có tinh thần khoan dung, và chấp nhận sự khác biệt, để cùng nhau xây dựng mái nhà Việt Nam cho tất cả mọi người.”

 

Hoàng Anh  – thoibao.de