Vụ Vạn Thịnh Phát sắp xét xử giai đoạn 2

Ngày 16/9, BBC Tiếng Việt cho hay, “Xét xử bà Trương Mỹ Lan giai đoạn 2: nạn nhân trái phiếu đỏ mắt mong chờ”.

Theo đó, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh dự kiến đưa vụ án bà Trương Mỹ Lan và 32 đồng phạm giai đoạn 2, với 3 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, ra xét xử công khai từ ngày 19/9 đến ngày 19/10.

BBC dẫn lời bà Bảo Ngọc ở Hải Phòng – một trong số bị hại, nói rằng, bà đã đỏ mắt mong chờ phiên xét xử này.

“Tôi muốn tất cả các nạn nhân đã lầm tin tưởng vào Ngân hàng SCB, sẽ được trả lại đầy đủ gốc lẫn lãi số tiền họ bị lừa mua trái phiếu. Tôi rất mong pháp luật nghiêm minh với tất cả những bị cáo, vì họ đã gây thiệt hại về kinh tế, tinh thần cho nhiều bà con trong suốt gần 2 năm qua.”

BBC dẫn cáo trạng, cho biết, bà Trương Mỹ Lan được cho là đã chỉ đạo phát hành 25 mã trái phiếu “khống”, thông qua các công ty con như: An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra. Theo đó, thông qua Công ty Chứng khoán TVSI và Ngân hàng SCB, để phát hành và chào bán trái phiếu cho người dân, với lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm tại hệ thống Ngân hàng SCB.

Việc này đã thu hút hơn 35.824 nhà đầu tư, huy động được tổng cộng hơn 30.000 tỷ đồng, mà không có tài sản đảm bảo.

BBC đề cập đến việc người dân đổ dồn rút tiền tại hệ thống Ngân hàng SCB trên toàn quốc, vào tháng 10/2022, sau khi có thông tin bà Trương Mỹ Lan bị bắt. Từ đó, nhiều người “ngã ngửa” khi biết, tiền của mình bỏ vào SCB là mua trái phiếu, chứ không phải là gửi tiết kiệm.

Nhiều cuộc biểu tình với hàng trăm người, đã nổ ra trước các trụ sở, chi nhánh của SCB trên cả nước, để đòi quyền lợi.

BBC cho biết, từ tháng 10/2022 đến tháng 10/2023, bà Bảo Ngọc cùng những người bị lừa mua trái phiếu đã tập hợp lại, và gửi hơn một chục đơn khiếu nại lên các cơ quan chức năng, chầu chực ở các điểm được gọi là tiếp nhận thông tin của SCB, nhưng cũng không đạt được kết quả gì.

Tới tháng 10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) của Bộ Công an, phát đi thông báo tìm bị hại trong vụ án trái phiếu SCB, những bị hại như bà Ngọc mới có hy vọng, và giờ, vụ án cuối cùng cũng được đưa ra tòa xét xử.

Bà Ngọc bộc bạch:

Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người khác đều chịu cảnh khó khăn, khi tiền bị giam vào một chỗ mà không biết tương lai sẽ đi về đâu. Nhiều đêm tôi mất ngủ lo nghĩ, gia đình tôi, mẹ tôi đã phải điều trị rối loạn lo âu tại nhà, và một lần nhập viện do suy nhược cơ thể kèm theo bệnh hen. Mẹ tôi suy nghĩ quá nhiều về số tiền dưỡng già của mình.”

Theo BBC, với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” số tiền hơn 30.081 tỷ đồng, bà Lan có thể đối mặt với khung hình phạt cao nhất là chung thân.

Bên cạnh đó, bà Lan và một số đồng phạm còn đối mặt thêm tội “Rửa tiền”“Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Theo đó, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc là đối tượng chủ mưu, cầm đầu tổ chức thực hiện rửa tiền, với tổng số tiền hơn 445.000 tỷ đồng.

Mức phạt cao nhất có thể áp dụng đối với tội danh “Rửa tiền”, là phạt tiền từ 10 đến 20 tỷ đồng, hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ một 1 đến 3 năm.

BBC cũng cho biết, với hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, bà Lan bị cáo buộc cùng đồng phạm dùng các hợp đồng khống, tiền vay được chuyển ra nước ngoài hơn 1,5 tỉ USD, từ năm 2012 đến 2022. Ở chiều ngược lại, có hơn 3 tỷ USD được chuyển về Việt Nam trái pháp luật. Tổng số được vận chuyển trái phép tương đương hơn 106.730 tỉ đồng.

BBC nhắc lại, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1, bà Lan đã bị tuyên tử hình với các tội “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ”“Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

 

Xuân Hưng – thoibao.de