Liệu Tô Lâm có dám tuyên án “tử” cho Trương Mỹ Lan, bất chấp “yếu tố” Trung Quốc hay không?

Một trong những điểm sáng của cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm, trong vai trò người giúp việc đắc lực cho cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được công luận đánh giá rất cao – đó là việc đã quyết định cho điều tra vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà “trùm” Trương Mỹ Lan.

Từ năm 2011, đại án này đã có các tài liệu khẳng định, bà Trương Mỹ Lan đã đưa hối lộ cho Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, và Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cả triệu USD, để can thiệp vào việc chuyển đổi công năng của cảng Khánh Hội, tại quận 4, Sài Gòn.

Theo giới thạo tin, trước đó, vụ án Vạn Thịnh Phát có “yếu tố” Trung Quốc. Cụ thể,  bà Trương Mỹ Lan có mối quan hệ với cựu Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang, nên đã buộc Tổng Bí thư Trọng phải làm ngơ.

Đây cũng chính là một trong những lý do, trong suốt một thời gian dài, kể từ năm 1992 đến khi bị khởi tố, bắt giam, tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan và kẻ chống lưng – cựu Bí thư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải, đã làm mưa, làm gió, chiếm đoạt hàng chục tỷ USD, nhưng vẫn bình an vô sự.

Mới đây, ngày 4/10, truyền thông nhà nước đưa tin, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2, vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB. Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã công bố cáo trạng luận tội. Theo đó, bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị mức án chung thân.

Tuy nhiên, phán quyết vừa kể đối với bị cáo Trương Mỹ Lan được đánh giá là hoàn toàn vô nghĩa, với lý do bị cáo Lan trong phiên xử sơ thẩm giai đoạn 1 tháng 4/2024, đã bị kết án tử hình. Dự kiến đến ngày 19/10 tới đây, Tòa án sẽ tuyên án vụ án này.

Theo cáo trạng, trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, bị cáo Trương Mỹ Lan bị cáo buộc, đã chỉ đạo thuộc cấp “rửa” gần 18 tỷ USD, được rút từ Ngân hàng SCB, và chuyển trái phép 4.5 tỷ USD qua biên giới.

Trong phiên xét xử ngày 4/10, bị cáo Trương Mỹ Lan khẳng định, sẽ trả lại tiền cho các trái chủ. Bà tuyên bố: “đừng lo tôi trở mặt, tôi hứa là sẽ làm, đến nay tôi vẫn khắc phục thiệt hại cho các trái chủ”.

Các sai phạm của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, và bà Trương Mỹ Lan – với vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn, đã diễn ra trong một thời gian rất dài, khoảng hơn 20 năm.

Theo giới phân tích quốc tế, đây là một vụ án tham nhũng đã gây thiệt hại lớn chưa từng thấy. Nếu vụ án này sớm được điều tra hoàn toàn độc lập, và làm tới nơi tới chốn, thì chắc chắn, sẽ có nhiều quan chức cấp cao của Đảng phải đứng trước vành móng ngựa.

Một phản ứng bất thường của Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, được cho là “đổ dầu vào lửa”, khi đưa ra tuyên bố: “lòng dân phẫn nộ, xót xa, ai oán, vì các hành vi tham nhũng, hàng nghìn tỷ đồng tuồn ra nước ngoài, mà không ai phải chịu trách nhiệm?”

Theo giới phân tích quốc tế, cơ quan chống tham nhũng của Việt Nam, lâu nay đã không dám cho mở tung cái “hũ mắm” có tên Vạn Thịnh Phát, của bà trùm Trương Mỹ Lan.

Việc nhà nước Việt Nam quyết định bơm tới 24 tỷ USD, để cứu Ngân hàng SCB, cho thấy, giới lãnh đạo Việt Nam nói chung và Tổng Bí thư Tô Lâm nói riêng, đã nhận thấy rõ sự nguy hiểm, cũng như để tránh một cuộc khủng hoảng tài chính mang tính dây chuyền.

Nếu không cứu Ngân hàng SCB, thì sẽ kéo theo giàn lãnh đạo cấp cao của Đảng “chết cả nút”.

Liệu bà trùm Tướng Mỹ Lan có thoát án tử hay không, và Tổng Bí thư Tô Lâm có dám quyết án tử, bất chấp “yếu tố” Trung Quốc hay không?

 

Trà My – Thoibao.de